Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ “Ánh Trăng” của Nguyễn Duy.
Bài làm
Nguyễn Duy là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ hào hùng của dân tộc. Tiêu biểu cho phong cách thơ và tâm hồn Nguyễn Duy là bài “Ánh Trăng”. Ở đó, sự nhẹ nhàng, gần gũi, mộc mạc khiến không ít trái tim độc giả phải rung động.
Bài thơ “Ánh trăng” nằm trong tập thơ cùng tên, sáng tác năm 1978 tại thành phố Hồ Chí Minh. Bài thơ là cái nhìn nhận chân thực và sâu sắc hơn về cuộc sống, về quá khứ.
Bài thơ xuyên suốt bởi hình ảnh ánh trăng, trong đó đoạn thơ đầu là niềm băn khoăn:
“Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ.”
Bốn câu thơ ngắn nhưng dựng lại cả thời niên thiếu cho tới lúc trưởng thành của nhà thơ. Có cậu bé nào đó hồn nhiên, nhí nhảnh giữa thiên nhiên sông nước. Rồi khi lớn lên thành chiến sĩ, nhân vật ấy lại tiếp tục kết bạn với thiên nhiên – ánh trăng. Hai từ “hồi” ở câu thơ đầu và câu thứ ba như một quãng nghỉ chân để tiếp tục dòng suy nghĩ chiêm nghiệm. Nó làm ta nhớ về những câu chuyện cổ tích xa xưa bắt đầu từ “Hồi đó…”, “Ngày xửa ngày xưa…”…
Vầng trăng là “tri kỉ” nhưng còn là vầng trăng “tình nghĩa”:
“Trần trụi giữa thiên nhiên
Hồn nhiên như cây cỏ
Ngỡ không bao giờ quên
Cái vầng trăng tình nghĩa”
Hai câu thơ trước gợi về một vầng trăng đẹp hoang sơ, diệu kì, tinh khiết, thần thoại cứ như là đứa trẻ, là người bạn tinh nghịch. Thân thương là thế, cái vầng trăng còn tưởng không thể nào quên nay thế nào?
“Từ hồi về thành phố
Quen đèn điện của gương
Vầng trăng đi qua ngõ
Như người dưng qua đường”
Cậu bé xưa đến nay với trăng đã thành “người dung qua đường”. Đó như một nỗi dằn vặt, tự trách của tác giả. Và sự giải thích cho việc quên lãng ánh trăng là gì? Là những ánh đèn rực rỡ nơi phố xá thành thị sầm uất, xa xỉ. Là con người chạy theo dòng người trong cuộc đua mưu sinh, cuộc sống nhộn nhịp hối hả… Sự tiện nghi của điện khiến cho ánh sáng của trăng không còn giá trị như trước nữa. Nhưng sự tiện nghi ấy chưa bao giờ là bền vững cả. Bởi:
“Thình lình đèn điện tắt
Phòng buyn-đinh tối om”
Và thế là, lúc này người ta đi tìm thứ ánh sáng khác khi không còn đèn điện sáng nữa. Trong quá trình tìm kiếm ấy, tác giả như giật mình:
“Vội bật tung cửa sổ,
Đột ngột vầng trăng tròn.”
Hai từ “thình lình”, “đột ngột” không chỉ là cái giật mình của cơ thể con người trong thực tại mà còn là cái giật mình trong sâu thẳm tâm hồn. Hành động “bật tung cửa sổ” tuy là phản xạ tự nhiên, nhưng ánh trăng kia thì đã đánh thức cả một thời trong kí ức, kí ức về tuổi thơ, về năm tháng chiến tranh đã từng có một tri kỉ, một người bạn tình nghĩa.
“Ngửa mặt nhìn lên mặt,
Có cái gì rưng rưng,
Như là đồng là bể,
Như là sông là rừng”
Nút tâm lí được nới rộng và niềm tâm sự được tháo gỡ. Câu thơ “ngửa mặt lên nhìn mặt” tạo thế đối xứng, mặt người với mặt trăng, lòng người với ý trăng. Trăng ta không biết đang tâm trạng gì, nhưng người thì đang “rưng rưng”. Cái rưng rưng trong ánh mắt và trái tim. Một thời đã từng hồn nhiên và thân thương tới thế!
Khổ thơ cuối, tâm trạng ánh trăng mới thực sự xuất hiện.
“Vầng trăng tròn vành vạnh
Kể chi người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình”
Ánh trăng đanh “im phăng phắc”. Tuy im lặng nhưng thực tế là ánh trăng đang nói. Sự im lặng là lời trách cứ, dỗi dằn, tổn thương. Vì sao ư? Vì con người đã vô tình quên đi nó. Sự im lặng ấy khiến tác giả một lần nữa “giật mình”. Giật mình vì quá khứ xưa, vì cuộc sống ngày nay và vì sự ích kỉ của tác giả. Cuộc sống hiện đại đôi lúc khiến con người quên đi quá khứ, quên đi gốc gác của mình. Do đó, viết về người lính nhưng bài thơ vẫn rất có giá trị trong cuộc sống hiện đại.
Tóm lại, bài thơ “Ánh Trăng” của Nguyễn Duy như một lời tâm sự sâu kín, một mối mâu thuẫn tiềm ẩn trong con người về một miến kí ức đôi lúc tưởng như đã lãng quên. Bài thơ góp phần giúp tên tuổi Nguyễn Duy được tỏa sáng.
Hoài Lê