Đề bài: Em hãy thuyết minh về cây chuối.
Bài làm
“Cây gì thân nhẵn xanh tươi
Lá như cánh phản giữa đời gió rung
Hoa nở màu tím pha hồng
Quả thì lòng khòng tựa ngón tay to.”
Chắc không cần phải suy nghĩ quá lâu để trả lời câu đố trên. Phải, câu trả lời là cây chuối. Cây chuối là loài cây gắn bó mật thiết với đời sống người dân Việt Nam.
Cây chuối thuộc về họ Chuối. Chuối được thuần hóa ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á và Úc. Cùng với sự phát triển của giao thương, ngày nay, chuối được trồng khắp các vùng nhiệt đới trên thế giới. Chuối được trồng ở trên 107 quốc gia.
Ở Việt Nam khí hậu nhiệt đới ẩm rất thích hợp cho cây chuối sinh trưởng và phát triển. Ban đầu chỉ có cây chuối dại (hay còn gọi là chuối rừng, chuối hột). Sau đó, nhiều loại chuối mới du nhập hoặc được lai tạo, cải thiện rất nhiều về chất lượng và mẫu mã thành phẩm. Chuối ở Việt Nam rất đa dạng về chủng loại như: chuối tiêu, chuối tây, chuối bom, chuối ngự… được trồng phổ biến từ Bắc đến Nam, đồng bằng cũng như miền núi, ở đâu và mùa nào cũng có chuối.
Chuối thường mọc thành bụi, được trồng bằng cách tách rời cây non đem trồng thành bụi mới. Lá chuối mọc ra theo hình xoắn, cứ 7-10 ngày sẽ ra một lá, một lá có thể dài 2,7 m và rộng 60 cm. Một cây chuối có khoảng 10-15 lá. Hoa chuối thuộc loại lưỡng tính, đầu hoa thường ra một hoa đực riêng, các hoa cái ở trên hoa đực và không cần được thụ phấn để tạo quả chuối. Quả chuối ra thành buồng lớn, gồm nhiều nải, mỗi buồng có 5–15 nải, mỗi nải có tới 12-20 quả tùy từng giống. Quả chuối khi chín sẽ chuyển từ màu xanh sang màu vàng ươm, rất thơm, mềm và ngọt. Ngoài ra, chuối cũng có củ.
Hình ảnh cây chuối quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Cứ về các vùng quê, nhà nào không có dăm ba cây chuối chĩu quả trong vườn. Mỗi lần nhìn thấy cảnh đó, tôi lại có nỗi nhớ bâng khuâng về người bà. Các cụ ông, cụ bà sống nơi thôn quê dân dã lúc nào cũng ưa trồng chuối để “chiêu đãi” con các cháu về chơi. Chuối cũng gắn bó mật thiết với đời sống “tâm linh” người Việt. Nải chuối là một trong những vật phẩm quen thuộc và không thể thiếu trên ban thờ vào những ngày lễ tết, giỗ chạp.
Cây chuối còn có nét gì đó như là phẩm chất của con người Việt Nam. Khi dùng lửa đốt cây chuối, phần ruột chuối gần như không hề bị lửa làm cho tổn hại. Ra vậy, giống như cây chuối, con người Việt Nam cũng có cốt cách kiêu bạc, bất khuất của người quân tử.
Chính vì quá đỗi quen thuộc với con người mà hình ảnh cây chuối cũng xuất hiện nhiều trong thơ ca Việt Nam:
“Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi đâu gượng mở xem.”
(“Ba tiêu” – Nguyễn Trãi)
Cây chuối có vô vàn công dụng khác nhau, bộ phận nào cũng có ích. Quả của cây chuối là loại trái cây được ăn rộng rãi nhất. Chuối tiêu là loại chuối được tiêu thụ nhiều nhất. Nhưng ngon nhất phải kể tới chuối ngự. Chuối ngự quả thon nhỏ, vàng óng, thơm ngậy. Trong lịch sử, chuối làng Đại Hoàng từng được coi là đặc sản đem tiến vui, vì thế mới có ten chuối ngự. Ngoài ăn tươi, chuối cũng có thể chế biến thành nhiều loại thực phẩm khác nhau. Chuối chín có thể cắt mỏng, sau đó đem chiên hay nướng để ăn giống như khoai tây. Chuối còn được sấy khô giòn hay ướp đường để làm mứt chuối. Ngay cả khi chuối còn xanh cũng có thể làm các món như chuối luộc, chuối nấu, chuối kho… Chuối chứa nhiều vitamin B6, vitamin C và kali rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là não bộ. Hoa chuối có thể làm các món nộm, om. Ngoài ra, thân chuối, củ chuối có thể là nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm và nhiều loại cá.
Chuối cũng là loại cây tạo công ăn việc làm cho người nông dân. Ngoài việc tiêu thụ nội địa, chúng ta còn xuất khẩu chuối một lượng khá lớn sang các nước Nhật Bản, Liên minh châu Âu.
Cây chuối gắn bó với người nông dân bao đời nay, dâng hiến cho con người cả giá trị vật chất lẫn tinh thần. Cây chuối chính là món quà quý báu mà “Mẹ thiên nhiên” ban tặng cho chúng ta.
Hoài Lê