Đề bài: Cảm nhận của em về 6 câu thơ cuối bài thơ “Cảnh ngày xuân” của Nguyễn Du.
Bài làm
Cảm nhận 6 câu thơ cuối bài Cảnh Ngày Xuân – Nguyễn Du (1766–1820) tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên là một nhà thơ sống vào thời Lê mạt và triều Nguyễn thời phong kiến. Người Việt kính trọng tôn xưng Nguyễn Du là “Đại thi hào dân tộc”. Tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du được xem là một kiệt tác văn học, là thành tựu tiêu biểu nhất không chỉ trong sự nghiệp thơ văn mà là của cả nền văn học trung đại Việt Nam. Đoạn trích ngắn “Cảnh ngày xuân” của tác phẩm khá tiêu biểu cho bút pháp tả cảnh của Nguyễn Du, nói về cảnh chị em Thúy Kiều đi chơi xuân. Sáu câu thơ cuối là cảnh chị em Kiều du xuân trở về:
“Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dan tay ra về.
Bước lần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
Nao nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.”
Bài thơ “Cảnh ngày xuân” thuộc phần đầu trong thiên trường ca “Truyện Kiều” khi Thúy Vân và Thúy Kiều vẫn còn đang sống trong cảnh “êm đềm trướng rủ màn che”. Sáu câu thơ trên là một trong những phần đặc sắc miêu tả cảnh hòa quyện trong lòng người.
Sau khi thể hiện không gian buổi sáng xuân tràn ngập tiếng cười nói, đông đúc người qua lại, Nguyễn Du miêu tả cảnh chiều về như một bữa tiệc xuân đi vào hồi kết. Bữa tiệc nào chẳng có lúc tàn. Có hấp dẫn, tươi vui đến đâu thì cũng sẽ có lúc kết thúc. Cái tinh tế của cụ Nguyễn Du đó là thể hiện cảnh chiều tàn như mang cả nỗi lòng, tâm trạng của nhân vật trữ tình.
“Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn dang tay ra về”
Từ láy “tà tà” là từ ngữ khá mới mẻ. Nó vừa gợi ra hình ảnh trời chiều ngả bóng lại vừa gợi lên những nhịp vận động chậm dãi, từ từ của cảnh và lòng người. Kiều như muốn níu kéo thêm một chút, một chút nữa cái khoảnh khắc tươi đẹp của ngày xuân trước khi nó chìm vào bóng tối. Bóng chiều tà đồng điệu với bước chân đầy tâm trạng của chị em Thúy Kiều khi trở về từ lễ hội mùa xuân qua cụm từ “thơ thẩn dang tay”. Bước chân người bị thời gian, không gian và lòng mình kéo lại. Trời chiều nhưng họ vẫn “thơ thẩn”. Từ “thơ thẩn” gợi ra trạng thái tự do, vô thức. Cái vô thức của hành động kì thực đang bị ý thức của trái tim chi phối.
Cái thiên hướng bóng “ngả về tây” giàu ý nghĩa biểu tượng. Bóng người cũng chính là bóng Kiều. Người con gái tài sắc vẹn toàn ấy có thiên hướng về phía tây – phía mặt trời lặn – phía của bóng đêm. Đó là nỗi dự cảm về một cuộc đời bị bóng đêm đen tối lấn át.
Cảm nhận 6 câu thơ cuối bài Cảnh Ngày Xuân
Nhà thơ tiếp tục theo dấu bước chân nhân vật:
“Bước dần theo ngọn tiểu khê
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh”
Hai chị em Thúy Kiều bước đi dọc ven dòng suối nhỏ bên đường. Những từ “bước dần”, “lần xem” cho thấy hai nhân vật chỉ bước những bước chân nhẹ nhàng, chậm dãi nửa muốn đi, nửa như muốn ở.
Không khí náo nhiệt buổi sáng của lễ tảo mộ, hội đạp thanh nhộn nhịp lùi lại nhường chỗ cho không gian rộng vắng nhưng không kém phần thơ mộng của cảnh vật. Đó là cái rộng của mây trời, cái vắng của con đường ít chân người và cái thơ của phong cảnh “thanh thanh”. Cảnh vật đẹp trong tĩnh lặng.
“Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”
Từ láy “nao nao” vừa là hình ảnh miêu tả dòng nước quang co, uốn khúc, nhẹ trôi mà còn là lòng người. Thơ Huy Cận cũng từng xuất hiện hình ảnh tương tự:
“Lòng quê dờn dợn vời con nước”
Cái “dờn dợn” cũng mang sắc thái quạnh vắng, cô liêu, đơn độc trước cảnh vật rộng lớn, tĩnh lặng. Hai từ “nao nao” trong thơ Nguyễn Du cũng thế. Cảnh vật rộng vắng, tĩnh mịch quá khiến lòng người như cồn cào một khát khao về sự sống tươi trẻ và nồng nhiệt hơn. Thế mà, nơi đây chỉ có cỏ dại, sông dài, đường vắng, nước lặng. Cái tĩnh lên ngôi khiến lòng người cũng cô đơn tột đỉnh.
Cuối con suối có một nhịp cầu nhỏ bắc ngang qua. Nó là tín hiệu của sự sống quen thuộc. Nhưng cuối cùng nó vẫn chỉ dừng ở chỗ chỉ có độc một “dịp cầu” mà lại chỉ “nho nhỏ” thôi, không hề có bước chân người qua lại.
Như vậy, oqr bài thơ “Cảnh ngày xuân”, Nguyễn Du đã sử dụng bức tranh thiên nhiên buổi sáng đối lập buổi chiều tà để qua đó làm đòn bẩy nâng tâm trạng và cảnh vật buổi chiều tà lên. Sáu câu thơ nhưng đã khái quát được toàn bộ nội tâm nhân vật chị em Thúy Kiều. Tài năng của Nguyễn Du đáng nể biết mấy!
Hoài Lê