Đề bài: Cảm nhận của em về nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”.
Bài làm
Cảm nhận của em về nhân vật Vũ Nương –
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
Những Thúy Kiều, Tiểu Thanh trong thơ Nguyễn Du, Kiều Nguyệt Nga trong thơ Nguyễn Đình Chiểu hay người vợ trong thơ Tú Xương đều chung một số phận chuân chuyên, chìm nổi. Thế nhưng, khi nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ xuất hiện trong nền văn học trung đại, người đọc mới thấm thía hơn bi kịch của một người phụ nữ tưởng là sẽ hạnh phúc bên người chồng tưởng là giàu sang, gia giáo, có học.
Bằng ngòi bút nhân đạo của mình, Nguyễn Dữ đã viết lên tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” để rồi tạc vào lịch sử văn học Việt Nam một hình ảnh người phụ nữ thời phong kiến – một Vũ Nương, đại diện cho cái đẹp hoàn mỹ nhưng chất chứa những nỗi buồn thương đầy nước mắt.
Vũ Nương được tác giả giới thiệu là “Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương”. Nàng là người “đã đẹp người lại đẹp nết”. Chồng Vũ Nương là Trương Sinh – một người thất học lại thêm “tính đa nghi”.
Khi binh đao loạn lạc, Trương Sinh phải ra trận còn Vũ Nương ở nhà sinh con trai đầu lòng vào một tuần sau đó. Vũ Nương mang nỗi lòng của người chinh phụ trong thời loạn lạc xưa:
“Nhớ chàng đằng đẳng đường lên bằng trời
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong”
(Chinh phụ ngâm khúc – Đoàn Thị Điểm)
Vũ Nương được coi là nhân vật đại diện cho vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến. Tuy vẻ đẹp của nàng không đủ “nghiêng nước nghiêng thành” như nàng Kiều trong thơ Nguyễn Du nhưng cũng là có “tư dung tốt đẹp”. Nguyễn Dữ nhấn mạnh nhiều hơn ở nhân vật cái nết. Tuy Vũ Nương xuât thân “vốn con kẻ khó”, song rất mực tuân theo “tam tòng tứ đức”, “giữ gìn khuôn phép, không để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa”.
Cảm nhận của em về nhân vật Vũ Nương
Nàng là người phụ nữ biết việc, chu đáo. Nàng một mình chăm sóc con nhỏ, phụng dưỡng mẹ chồng như cha mẹ đẻ, lo tang ma khi mẹ chồng mất. Để bù đắp thiếu vắng cha của con, nàng thường chỉ vào chiếc bóng của mình trên tường và nói là cha Đản. Qua một vài chi tiết nhỏ trong tác phẩm, người đọc có thể thấy Vũ Nương là một người mẹ hiền, người con dâu hiếu thảo.
Khi Trương Sinh trở về, vì nghe lời con trẻ mà nghi ngờ lòng thủy chung của vợ. Trương Sinh đã đối xử với nàng hết sức tàn nhẫn, “mắng nhiếc, đánh đuổi nàng đi” và cũng bỏ ngoài tai những lời phân trần của vợ, lời khuyên can của hàng xóm. Vũ Nương thất vọng, nàng không có cách nào khác để minh oan cho mình nên đành gieo mình xuống dòng sông lạnh để mong lấy cái chết rửa sach oan tình, giãi bày sự trinh nguyên. Nàng kêu than thấu trời rằng “kẻ bạc mệnh này duyên hẩm hiu…”. Và sau đó, nàng nhảy xuống sông tự vẫn. Cách làm của Vũ Nương cho thấy sự bế tắc của người phụ nữ phải tìm cách tiêu cực nhất để thể hiện nỗi lòng. Đau xót biết mấy khi Vũ Nương bị chính người thân nhất, gắn bó nhất đẩy xuống bờ vực thẳm dẫn. Bi kịch của Vũ Nương là bi kịch của gia đình cũng là bi kịch chung của những người phụ nữ xưa.
Vũ Nương được Linh Phi ở động Rùa cứu giúp. Sau đó, nàng gặp Phan Lang, nàng nhờ Phan Lang gửi hộ lời với chàng Trương. Trương Sinh sau khi rõ sự tình mới hối cải, lập đàn giải oan cho Vũ Nương. “âm dương đôi đường”, Vũ Nương chỉ hiện về trong chốc lát rồi biến mất trong màn khói tỏa.
Tuy Vũ Nương không còn trên cõi đời này nhưng hình ảnh người phụ nữ ấy sẽ còn mãi vấn vương trong lòng người đọc. Nét đẹp hoàn mỹ cũng như số phận oan khuất và cái chết đầy bi thảm của nàng là tiếng nói tố cáo đanh thép của Nguyễn Dữ trước hết là với những người đàn ông gia trưởng, vô học và sau là chế độ bảo hộ cho những kẻ vô học đó. Sự hối hận, thức tỉnh của Trương Sinh là quá muộn màng. Sau cùng người phụ nữ vẫn phải chịu đau đớn. Đó cũng là tấm lòng nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Dữ trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”.
Hoài Lê