Đề bài: Cảm nhận của em về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân.
Bài làm
Cảm nhận về nhân vật ông Hai – Nếu như trong phong trào sáng tác văn học phục vụ cách mạng, các nhà văn, nhà thơ đi sâu vào khai thác hình ảnh người lính trên chiến trường gian khổ, hào hùng thì Kim Lân lại chọn cho mình một lối đi riêng, đó là tập trung về hình ảnh người nông dân thôn dã. Trong đó, truyện ngắn “Làng” của Kim Lân khắc họa sâu sắc hình tượng nhân vật ông Hai có tình yêu quê hương, đất nước và tình yêu kháng chiến sâu nặng.
Kim Lân được biết đến trong nền văn học Việt Nam nói chung và văn thơ cách mạng nói riêng như một nhà văn của cuộc sống nông thôn. Kim Lân viết về nông thôn với những người nông dân chân chất tuy nghèo khó nhưng lấp lánh tình yêu thương. Hình ảnh người nông dân trong các tác phẩm của Kim Lân rất mới mẻ nhưng cũng rất chân thật, mộc mạc, thân thương.
Truyện ngắn “Làng” xoay quanh câu chuyện về nhân vật chính là ông Hai – một người phải rời làng của mình để đến nơi tản cư. Qua tình huống truyện quen thuộc, Kim Lân đã mang đến cho người đọc một ông Hai yêu làng, yêu nước thiết tha. Ông Hai là đại diện cho bộ phận người nông dân nơi hậu phương trong kháng chiến.
Đại ý tình hướng truyện diễn ra như sau. Ông Hai là người một người nông dân yêu tha thiết cái làng Chợ Dầu của mình. Do yêu cầu từ ủy ban kháng chiến, ông Hai phải cùng gia đình tản cư. Trong những ngày xa quê, ông nhớ làng, lúc nào cũng mong được trở về. Một hôm, ông nghe tin làng Chợ Dầu làm Việt gian theo Tây, ông Hai vừa căm uất vừa tủi hổ, chỉ biết tâm sự cùng đứa con thơ. Ông nhất định không quay về làng. Cho tới khi nghe tin cải chính, ông Hai hồ hởi khoe với mọi người tin này dù nhà ông đã bị Tây đốt cháy. Qua tình huống truyện, tính cách và nhân cách ông Hai được bộc lộ rất rõ ràng.
Trước hết, ông Hai là một người yêu làng. Nó thể hiện ngay trong niềm tự hào, kiêu hãnh của ông Hai về chính cái làng Chợ Dầu của mình. Dù đã rời làng nhưng đi đâu ông cũng khoe làng chợ Dầu với mọi người mà ông gặp. Ông Hai luôn nhớ về ngôi làng cũ với những buổi làm việc cùng anh em. Thi thoảng, nỗi nhớ bật lên thành tiếng: “Chao ôi! Ông lão nhớ cái làng này quá”.
Khi nghe tin làng Chợ Dầu đi theo giặc, ông Hai “nghẹn” đắng cổ họng, giọng lạc hẳn đi, “da mặt tê dân dân”. Ban đầu, ông không tin, tình yêu làng, sự gắn bó khiến ông không tin. Ông hỏi lại. Sau đó, ông Hai thấy quá xấu hổ nên đã chép miệng, đánh trống lãng:”Hà, nắng gớm, về nào…” rồi cúi mặt mà đi. Càng yêu làng bao nhiêu, ông Hai càng đau khổ trước tin dữ bấy nhiêu.
Ông Hai rơi vào trạng thái buông xuôi. Khi về nhà, ông nằm vật ra gường, trằn trọc cả đêm không ngủ được. Rồi ông Hai khóc khi nhìn dám trẻ ngây thơ bị mang tiếng việt gian. Trạng thái ông Hai ngày càng trở nên tiêu cực. Và khi quá uất ức, con người ta sẽ tìm cớ để tự động viên, phản biện suy nghĩ của chính mình. Ông Hai điểm lại mọi người trong làng, thấy ai cũng có tinh thần kháng chiến cả nên ông tự dằn lòng không tin lại có ai làm điều nhục nhã ấy.
Đến cuối cùng, ông Hai cũng phải chấp nhận sự thật. Tình yêu làng biến thành lòng căm thù. Ông tuyên bố rằng “làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù.”. Có vẻ như hơn cả bi kịch mất làng, ông Hai đau đớn như một người bị chính người thân mình phản bội. Thử hỏi nỗi đau bị phản bội từ chính thứ tưởng như thân thương nhất khó chịu, day dứt đến nhường nào?
Tác giả tiếp tục đi sâu thể hiện diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai sau khi nghe tìn làng được cải chính. Niềm vui sướng của ông Hai được thể hiện thông qua nét mặt và hành động rất đáng yêu, đáng mến. Mặt ông Hai vui tươi, rạng rỡ hẳn lên. Ông mua quà về chia cho lũ trẻ trong xóm như một sự ăn mừng. Rồi ông Hai chạy khắp xóm để loan tin. Hành động của ông giống như một đứa trẻ thơ tạo nên không khí vui tươi, lạc quan ở cuối truyện.
Phần cuối truyện ngắn, tác giả đã nâng tầm tình yêu làng của ông Hai nên thành tình yêu nước, tình yêu làng lúc này là cơ sở cho tình yêu nước. “Ruột gan ông lão cứ múa cả lên, vui quá!” khi nghe được tin dân ta đánh thắng Tây từ phòng thông tin. Rồi hành động ông Hai và con ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh… đã cho thấy lòng yêu nước nồng nàn, sự trung thành với cách mạng của những người nông dân trong cách mạng tháng Tám.
Truyện ngắn “Làng” tiêu biểu với đặc sắc trong cách miêu tả chân thực, sinh động diễn biến nội tâm nhân vật và ngôn ngữ đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm đa dạng, tự nhiên cùng với những mâu thuẫn căng thẳng, dồn đẩy, bức bối đã góp phần không nhỏ tạo nên thành công của câu chuyện.
Thông qua diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai trên đây, ta có thể nhận định chắc chắn rằng ông Hai mang bản chất có tính truyền thống của người Việt. Tác giả cũng cho thấy một phần bức tranh chân thực của buổi đầu chống Pháp: lúc đầu, người dân còn ngỡ ngàng, nghi ngờ con đường cách mạng nhưng càng ngày nhờ tinh thần dân tộc, họ càng tin yêu và quyết tâm đi theo cách mạng. Người đọc có thể thấy được tài năng và sự am hiểu, gắn bó sâu sắc của nhà văn Kim Lân với người nông dân và công cuộc kháng chiến của đất nước.
Hoài Lê