Đề bài: Cảm nhận của em về truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long.
Bài làm
Cảm nhận của em về truyện ngắn Lặng lẽ Sapa – Ai có thể yêu một loài hoa không hương không sắc và loài chim không biết hót biết bay? Con người cũng thế! Một người biết làm đẹp cho đời đáng được thương yêu biết mấy. Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long cũng mang triết lý như vậy. Tác phẩm có lẽ không chỉ thành công trong cốt truyện, ngôn ngữ, văn phong, hình ảnh mà còn ấn tượng bởi chính những tâm hồn lấp lánh mà tác phẩm phản ánh.
Nguyễn Thành Long là một cây bút truyện ngắn xuất sắc của văn học hiện đại Việt Nam. Phong cách văn chương của Nguyễn Thành Long nghiêng về tạo dựng chất thơ nhẹ nhàng, kín đáo, chân thành, giản dị nhưng có sức ngân vang sâu sắc.
Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” ra đời sau khi nhà văn có một chuyến đi thực tế kiểm nghiệm. Truyện gần như “không có cốt truyện”, chỉ đơn giản kể về tình huống gặp gỡ bất ngờ giữa ông họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ với anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn thuộc Sa Pa. Thông qua đó, Nguyễn Thành Long đã giới thiệu với chúng ta vẻ đẹp của một vùng đất lặng thầm nhưng ở đó vẫn có những con người đang ngày đêm làm việc cống hiến quên mình cho quê hương đất nước Việt Nam.
Cái chất “Lặng lẽ Sa Pa” đến với người đọc như là một vùng đất mới lạ. Phong cảnh Sa Pa với núi cao với thác đổ trắng xóa, đường núi uốn lượn quanh co, cây cối rậm rạp cứ chen nhau hiện dần theo từng vòng xe lăn bánh. Bức tranh mỗi lúc một hấp dẫn thêm. Rồi những rặng đào, những đàn bò lang cổ có đeo chuông ở các đồng cỏ trong thung lũng hai bên đường vẽ lên một miền quê với sự sống thật thanh bình, yên ả.
Thiên nhiên Sa Pa còn mang vẻ kì ảo vô cùng. Nắng thì “len tới đốt cháy rừng cây”, những cây thông “rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc”, “thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên”, “Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên những vòm lá ướt sương, rơi, xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe”… Cảnh vật được Nguyễn Thành Long nhân cách hóa sống động. Mỗi câu mỗi chữ là một đường nét, hình khối, mảng màu… hòa vào nhau khiến rạo rực trái tim những con người lần đầu đặt chân đến. Chính phong cảnh thiên nhiên đẹp và thơ mộng của Sa Pa đã tạo nên chất trữ tình cho tác phẩm.
Cảm nhận của em về truyện ngắn Lặng lẽ Sapa
Nghe cái tên “Lặng lẽ Sa Pa” có vẻ như là một vùng đất sẽ yên ắng lắm, lạnh giá, hiu hắt lắm. Nhưng mỗi ngày nơi Sapa vẫn vang lên những nhịp sống sôi động của tuổi trẻ và tình người ấm áp.
Nơi Sa Pa không chỉ đẹp kì vĩ của thiên nhiên mà đẹp ở những con người và lòng người đang ngày đêm cống hiến thầm lặng trên con đường xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa. Nhân vật anh thanh niên đại diện cho vẻ đẹp đó.
Nhân vật anh thanh niên, ở tuổi đời hai mươi bảy vừa rời thủ đô phồn hoa lên công tác ở đỉnh núi Yên Sơn (Sa Pa) đẹp không kém gì hình ảnh người thanh niên xung phong gác lại cuộc sống đồng ruộng lên chiến trường. Anh thanh niên làm việc ở độ cao hai nhìn sáu trăm mét, quanh năm mây mù tuyết phủ. Công việc của anh là đo đạc khí tượng kiêm vật lí địa cầu. Với mọi người anh “sống đơn độc một mình” nhưng với anh, công việc và thiên nhiên khắc nghiệt là người “bạn”.
Cuộc sống vất vả vì vật chất thiếu thốn, đồ nghề thô sơ nhưng tất cả không là gì so với nỗi cô đơn đến “thèm người”. Thế nên anh thanh niên mói quý trọng tình người hơn, nhất là khi có khách phương xa là ông họa sĩ và cô kỹ sư trẻ tới thăm. Những bông hoa do tay anh trồng tặng cho cô kỹ sư là cả một niềm yêu mến và quý trọng của anh.
Dù vất vả đến đâu nhưng xuất phát từ lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm tự giác, ý thức được nhiệm vụ của tuổi trẻ anh cứ mải miết nghiên cứu, sáng tạo và còn trồng rau – trồng hoa, nuôi gà, cải thiện cuộc sống.
Truyện chỉ có một tuyến nhân vật, không có biến cố xung đột kịch tính, xoay quanh cuộc sống của những con người bình thường với cái tên chung chung mang tính nghề nghiệp: cô kĩ sư, bác lái xe, ông họa sĩ… nhưng lại trở thành yếu tố hấp dẫn nhất của tác phẩm. Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” góp phần khẳng định tên tuổi của Nguyễn Thành Long trong lòng bạn đọc bao thế hệ.
Hoài Lê