Home / Văn mẫu / Văn mẫu lớp 12 / Nghị luận xã hội về bạo lực học đường

Nghị luận xã hội về bạo lực học đường

Đề bài: Em hãy viết bài văn nghị luận xã hội về bạo lực học đường.

Bài làm

 Xã hội ngày càng phát triển hướng con người tới một cuộc sống văn minh, tốt đẹp hơn. Thế nhưng, đâu đó, con người vẫn có kiểu hành xử thô bạo với nhau, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lí, thậm chí an nguy đến tính mạng. càng đau lòng hơn khi điều đó vẫn còn xảy ra ở các trường học, đó chính là nạn bạo lực học đường. Nếu không kịp thời ngăn chặn nạn bạo lực học đường sẽ là mối hiểm họa của đất nước, của dân tộc.

Trường học không những là nơi cung cấp cho chúng ta những kiến thức khoa học tự nhiên, xã hội mà còn là nơi rèn luyện đạo đức, nhân cách, kĩ năng sống, mở rộng tầm nhìn ra thế giới bên ngoài. Trường học cũng là nơi bồi dưỡng tâm hồn, ươm mầm tài năng và chắp cánh ước mơ cho những người học sinh. Những điều đấy sẽ không có gì phải bàn cãi nếu như không có nạn bạo lực học đường đã và đang diễn ra. Đó chính là một sự thật đau lòng cho những người làm cha, làm mẹ, làm thầy cũng như các cấp chính quyền và toàn xã hội.

nghi luan xa hoi ve bao luc hoc duong 1 - Nghị luận xã hội về bạo lực học đường

Nghị luận xã hội về bạo lực học đường

Nạn bạo lực học đường do nhiều nguyên nhân dẫn đến, bao gồm cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Công nghệ thông tin phát triển, trẻ em, thanh thiếu niên đi đúng hướng sẽ tiếp cận được nhiều luồng thông tin giá trị, bổ ích. Nhưng có một bộ phận lại bị những phim ảnh, trang web đầy bạo lực và khiêu dâm làm vẩn đục tâm hồn, bào mòn cái đẹp, giới trẻ dần dần mất đi tính lương thiện, đánh mất cả ước mơ, hoài bão. Trong số đó, có người trở nên hung dữ, thích động chân, động tay khi không vừa ý, ăn chơi sa đọa, đua đòi, sống ích kỉ, không lành mạnh.

Nhìn lại một số bài học đau xót ở những trường học mà kỉ cương lỏng lẻo, không quản lí chặt chẽ học sinh, học sinh coi thường kỉ luật, nghỉ học tự do. Bố mẹ thì tưởng con ở trường còn thầy cô thì cũng không biết học sinh đi đâu, làm gì. Chỉ đến khi có những vụ đánh nhau tới mức nhà chức trách phải vào cuộc thì những người có trách nhiệm mới thấy giật mình.

 Sự thiếu quan tâm của gia đình do bố mẹ bận rộn với công việc, chỉ mải lao động kiếm sống và đáp ứng hết mọi nhu cầu của con. Những người con biết thương bố mẹ thì không sao. Còn không, chúng tiêu sài hoang phí và còn sử dụng vào những việc xấu như chơi gamer bạo lực, cá độ, thậm chí sa vào tệ nạn xã hội lúc nào không hay.

Nạn bạo lực học đường có khi diễn ra khá âm thầm, đến khi thầy cô biết thì đã muộn. Trong lớp có vài học sinh cá biệt làm thủ lĩnh, quậy phá không cho các học sinh khác học. Chúng dọa dẫm, tìm đủ mọi cách để lôi kéo bạn bè sa vào con đường ăn chơi, không chịu học hành.

Trước kia, chủ yếu chỉ có học sinh nam đánh nhau, giờ thấy nhiều cảnh học sinh nữ cũng đánh nhau thừa sống thiếu chết đăng tải lên trên mạng xã hội, thật là đau lòng khi các em đến trường không phải để học mà đến trường để tụ tập, giải quyết mâu thuẫn cá nhân bằng bạo lực.

Trước nạn bạo lực học đường đang ở mức độ mà không ai dám khẳng định là không có, nó không xảy ra ở nơi này thì cũng xảy ra ở nơi khác, thậm chí có lúc lấy đi cả tính mạng học sinh, trách nhiệm của chúng ta phải làm gì để ngăn chặn nó? Có lẽ điều trước tiên vẫn phải bắt đầu từ giáo dục nhà trường. Việc xây dựng và thực hiện nội quy phải chặt chẽ, mang tính kỉ cương. Giữa nhà trường và gia đình phải tìm được tiếng nói chung, thống nhất cao trong phương pháp giáo dục trẻ. Tránh tình trạng cha mẹ học sinh không bảo vệ danh dự giáo viên, học sinh mất đi niềm tin cần có ở người thầy thì giáo dục chắc chắn sẽ thất bại. Nhà trường, Đoàn Thanh niên, các tổ chức đoàn thể xã hội cần có nhiều hoạt động bổ ích cuốn hút các em tham gia. Gia đình quản lí tốt thời gian biểu của con cái, theo sát nắm bắt tâm tư tình cảm, không để trẻ ham mê các trò chơi bạo lực, không cổ súy cho hành vi bạo lực.

Bạo lực học đường là điều mà một xã hội lành mạnh không mong muốn, cần phải tẩy chay. Mỗi chúng ta cần biết tự bảo vê mình, bảo vệ bạn bè, tránh xa những thói hư tật xấu, biết cùng nhau phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, chấp hành tốt kỉ cương nhà trường, sống tôn trọng và tuân theo pháp luật, tôn trọng những người xung quanh. Khi thấy có nguy cơ xảy ra bạo lực cần tìm cách ngăn chặn. Có như vậy, dần dần nạn bạo lực sẽ không còn chỗ đứng trong môi trường học tập của chúng ta.

Tuấn Đức

Check Also

bodethi img - Nghị luận xã hội về cách ứng xử văn hóa trong giao thông hiện nay (lớp 12)

Nghị luận xã hội về cách ứng xử văn hóa trong giao thông hiện nay (lớp 12)

Nghị luận xã hội về cách ứng xử văn hóa trong giao thông hiện nay …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *