Home / Văn mẫu / Văn mẫu lớp 12 / Phân tích hình tượng con sông Đà trong tác phẩm Người lái đò sông Đà

Phân tích hình tượng con sông Đà trong tác phẩm Người lái đò sông Đà

Đề bài: Phân tích hình tượng con sông Đà trong tác phẩm Người lái đò sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân.

Bài làm

Nguyễn Tuân, một nhà văn tài hoa có con mắt tinh anh và vốn sống vô cùng phong phú. Ông luôn phát hiện ra cái đẹp giữa đời thường để từ đó qua bút pháp vừa kể vừa miêu tả của ông, người đọc được chiêm ngưỡng những cái đẹp có khi nó vẫn ở ngay cạnh mình mà bấy lâu không nhận ra để thấy thêm giá trị đích thực của cuộc sống và yêu mến hơn cuộc sống quanh ta. Hình ảnh con sông Đà vô tri, vô giác trong tùy bút Người lái đò sông Đà qua lăng kính nhà văn đã hiện lên đầy cá tính, dữ dội và có lúc lại hiền hòa như con người. Hình ảnh độc đáo ấy đã lan tỏa sự cuốn hút của nó với tác giả sang người đọc, làm say lòng người đọc trước sự kì vĩ của dòng sông yêu thương.

Phía ngọn nguồn con sông có độ dốc cao, nhiều thác ghềnh, lòng sông rất hẹp, nước chảy xiết, được tác giả ví như một loài thủy quái khổng lồ, hung ác, nham hiểm, kẻ thù số một của con người. Cho đến khi xuôi về phía hạ lưu, lòng sông Đà mở rộng, độ dốc không cao, nước sông chảy hiền hòa, êm dịu, sông mang một vẻ thơ mộng, trữ tình.

phan tich hinh tuong con song da trong tac pham nguoi lai do song da - Phân tích hình tượng con sông Đà trong tác phẩm Người lái đò sông Đà

Phân tích hình tượng con sông Đà

Nhà văn đã cảm nhận sông Đà ở cả hai mặt đối lập nhau. Một con sông dữ dội hiểm trở là mối hiểm họa khôn lường với con người và cũng con sông ấy lại mang vẻ đẹp hiền hòa, thơ mộng.

Những con thác hung dữ xuất hiện trong cái khung cảnh núi non hùng vĩ, huyền bí và hoang sơ như gieo rắc nỗi sợ vào lòng người. Ngòi bút miêu tả của Nguyễn Tuân như cũng phóng túng theo từng con thác đổ. Có lúc ông miêu tả bao quát toàn bộ khung cảnh, có lúc ông đi vào đặc tả những hình ảnh tiêu biểu mang tính điển hình của con sông hung dữ. Cảnh đá bờ sông dựng vách thành mặt sông lúc ấy chỉ đúng ngọ mới có mặt giời, có chỗ vách đá thành chẹt lấy lòng sông Đà như một cái yết hầu, có quãng sông hẹp đến mức đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách, có quãng con nai hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia, thật là kì bí. Và ông truyền cảm hứng cho người đọc dù có chút sợ hãi song vẫn có cảm giác thích thú của một người ưa mạo hiểm.

Để làm nổi bật nét tính cách hung bạo của con sông, nhà văn đã sử dụng phối hợp nhiều thủ pháp nghệ thuật, khi là sự liên tưởng so sánh, khi là những câu văn có kết cấu trùng điệp tạo nên nhịp điệu khẩn trương gấp gáp giống như sự chuyển vận của gió to và sóng lớn. Ống kính nhà văn bao quát toàn cảnh thác nước từ ngược tới xuôi rồi mới dừng lại tả kĩ một con thác cụ thể, tiêu biểu. Qua đó, tái hiện gương mặt nhăn nhó, dữ dằn, bặm trợn của hàng trăm con thác khác. Thác nước được miêu tả dưới góc nhìn của người đi đò đang bị thử thách lòng can đảm khi phải đối mặt với cái chết có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Bởi vậy, qua miêu tả con thác, tác giả càng làm nổi bật hơn vẻ hung hãn của sông Đà. Âm thanh của thác réo gầm mãi lại, réo to mãi lên, như oán trách, như van xin, khiêu khích, rồi rống lên như rừng tre nứa đang nổ lửa. Những tảng đá, những xoáy nước giữa lòng sông đã phô bày tất cả sức mạnh của mình để đe dọa con người, đầy mưu mô, bí ẩn, tưởng như con người rất khó để chinh phục dòng sông ấy.

Vẫn là con sông ấy, khi qua hết ghềnh thác, nhìn từ trên cao xuống tác giả đã dí dỏm so sánh nó giống như cái dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân nhưng lại ca ngợi nó có vẻ đẹp nhân hậu, nữ tính. Sông lúc này lại như một nàng hậu làm say đắm lòng người. Sông êm đềm chảy qua những vùng đất đẹp hoang dại và nên thơ như gợi về một miền cổ tích. Trước vẻ đẹp đó, trí tưởng tượng của nhà văn mặc sức bay bổng. Ông hình dung ra mái tóc của một cô gái kiều diễm đang tuôn dài trong ánh sắc mây trời Tây Bắc đang độ vào xuân. Những sắc màu khác nhau theo từng mùa của sông Đà lại tiếp tục nâng đỡ cảm xúc của nhà văn bay theo làn nước biếc, quyện vào trong từng đường nét, màu sắc. Cảm xúc của tác giả có lúc sôi nổi, có lúc trầm lắng, tư lự khi nghĩ về sự trường tồn của dòng sông gắn với lịch sử đất nước.

Nhà văn Nguyễn Tuân đã đưa người đọc đến với dòng sông Đà, cùng tác giả có cuộc trải nghiệm thú vị qua cuộc hành trình tưởng tượng, chứng kiến sự kì vĩ của dòng sông cũng như những nét quyến rũ, nên thơ của nó. Dòng sông ấy hôm nay vẫn lắm thác, nhiều ghềnh nhưng có một điều khác biệt là trên đó đã mọc lên một công trình thủy điện nguy nga, mang ánh sáng đi khắp mọi miền của Tổ quốc.

Tuấn Đức

Check Also

bodethi img - Nghị luận xã hội về cách ứng xử văn hóa trong giao thông hiện nay (lớp 12)

Nghị luận xã hội về cách ứng xử văn hóa trong giao thông hiện nay (lớp 12)

Nghị luận xã hội về cách ứng xử văn hóa trong giao thông hiện nay …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *