Đề bài: Cảm nghĩ của em về bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương.
Bài làm
Cảm nghĩ của em về bài thơ Viếng Lăng Bác – Ngày 2/9/1969, Bác Hồ ra đi trong sự thương tiếc vô cùng của toàn thể nhân dân Việt Nam. Đến năm 1976, đất nước quy về một mối, lăng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thiện, hàng triệu đồng bào trong Nam ra miền Bắc “thăm” Bác, trong đó có nhà thơ Viễn Phương. Bài thơ “Viếng lăng Bác” ghi lại cảm xúc của nhà thơ trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy.
Bài thơ từ đầu tới cuối như một trang nhật kí lưu lại những cảm nhận rất riêng và nỗi đau chung của nhà thơ và nhân dân Việt Nam khi đến thăm viếng Bác.
Tác giả bắt đầu từ những hình ảnh đầu tiên bắt gặp khi đặt chân xuống khu lăng Chủ tịch:
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.”
Tác giả dùng từ “thăm” thay vì từ viếng và xưng con tạo nên không khí gần gũi, thân thương. Tác giả không phải đến viếng một người đã chết mà coi mình như đứa con lâu ngày mới về thăm vị Cha già. Hình ảnh đầu tiên nhà thơ bắt gặp là tre – loài cây biểu tượng cho sức sống và phẩm chất của con người Việt Nam. Có lẽ, bao thế hệ người dân đã hóa thân thành “hàng tre xanh” đến bên canh giữ giấc ngủ yên lành cho Bác. Dù có “bão táp mưa sa” thì tre vẫn “xanh” vẫn “bát ngát” và vẫn cứ “thẳng hàng” như con người Việt Nam hiên ngang, bất khuất.
Cảm nghĩ của em về bài thơ Viếng Lăng Bác
Tới khi đứng trước lăng:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”
Ở đây có hai thực thể là mặt trời xuất hiện. Xưa nay trong vũ trụ ai chẳng biết chỉ có duy nhất một mặt trời. Mặt trời là nguồn sống cho muôn loài, soi sáng đường đi cho muôn loài. Thế thì mặt trời thứ hai kia là mặt trời nào?
Mặt trời “đi qua trên lăng” mỗi ngày là mặt trời thực, mặt trời của chung. Còn hình ảnh “mặt trời trong lăng” chính là Bác Hồ – người chỉ đường dẫn lối cho cả dân tộc Việt Nam tiến lên. Hơn nữa, mặt trời thứ hai kia còn được miêu tả là “rất đỏ”. Vậy ra, sức sống của Bác còn mãnh liệt và mạnh mẽ hơn cả mặt trời thiên nhiên kia.
Thông qua việc điệp lại từ láy “ngày ngày”, tác giả tạo nên sự chuyển động. Ngày ngày ở phía trên kia là chỉ thời gian đang trôi đi, còn ngày ngày ở dưới đây chính là đoàn người đến viếng cùng niềm “thương nhớ”. Và rồi những “tràng hoa” được kết lại từ hàng triệu trái tim dâng lên “bảy mươi chín mùa xuân” cống hiến cho dân tộc.
Khổ thơ thứ ba là cảnh và cảm xúc của con người khi vào trong lăng:
“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!”
Tác giả nhẹ nhàng ngắm nhìn Bác. Bác như chìm trong “giấc ngủ bình yên”. Bác đã là người của cõi khác nhưng lại được thể hiện trong trạng thái “ngủ”. Hơn nữa, là ngủ giữa “vầng trăng sáng”. Trăng là thứ đem đến sự tinh khiết, chan hòa. Bác không còn như mặt trời sáng chiếu nữa mà đang tỏa ánh hào quang tuyệt đẹp. Hình ảnh “Trời xanh” theo nghĩa thực là bầu trời thiên nhiên, tồn tại vĩnh hằng cùng thời gian còn theo nghĩa biểu tượng thì trời xanh chính là Bác. Dẫu nhà thơ biết rằng Bác sẽ mãi trong tim người Việt nhưng cảm giác đau nhói là không thể tránh được.
Bài thơ khép lại khi tác giả rời lăng trở về:
“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.”
Niềm tiếc thương vẫn như trực trào trong lòng mỗi người dân miền Nam. Mong ước được mãi bên Bác không chỉ của riêng Viễn Phương mà còn là của mỗi người con miền Nam ruột thịt. Điệp ngữ “muốn làm” cho thấy khát vọng cháy bỏng, thiết tha mong được làm con chim hót vang, làm đóa hoa tỏa hương ngát, làm cây tre canh giấc ngủ cho Bác.
Viễn Phương đã làm bài thơ “Viếng lăng Bác” bằng tấm lòng thành kính và tiếc thương sâu sắc.
Hoài Lê