Home / Văn mẫu / Văn mẫu lớp 9 / Cảm nhận của em về bài Sang thu

Cảm nhận của em về bài Sang thu

Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh.

Bài làm

Cảm nhận của em về bài Sang Thu – Mùa thu là mùa có thời tiết đẹp nhất trong năm. Mùa thu luôn khơi nguồn cảm hứng cho nhiều văn nghệ sĩ sáng tác. Mảng thơ thu khá nổi bật và có nhiều bài rất đặc sắc, làm nên tên tuổi của nhiều nhà thơ. Trong đó, phải kể đến ài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh. Bài thơ đã vẽ lên bức tranh thiên nhiên mùa thu rất đặc trưng của làng quê đồng bằng Bắc Bộ, góp phần làm phong phú thêm kho tàng thơ ca hiện đại Việt Nam. Qua đó ta thấy được một tâm hồn Hữu Thỉnh rất mực tinh tế, nhạy cảm trước mọi biến chuyển của không gian.

Bài thơ mở đầu bằng những dấu hiệu rất đặc trưng của mùa thu:

“Bỗng nhận ra hương ổi  

Phả vào trong gió se,

Sương chùng chình qua ngõ”

Chỉ bốn câu thơ ngắn nhưng trong lòng bạn đọc đã nghe được hương thu, thấy được tiếng thu lan tỏa trọng không gian quen thuộc. Làng quê nào mà chẳng có hương ổi chín, gió se lạnh, sương giăng mắc. Thế mà, thu biến chuyển nhanh quá khiến những điều tưởng đã quá quen vẫn làm ta phải giật mình mà thốt lên: “bỗng”.

Từ “phả” tạo cảm giác rất thú vị. Hương ổi như tích lũy qua bao ngày tháng chỉ chờ hôm nay lập thu là thả cả bầu trời hương vào không gian. Sương sớm cũng đang cố “chùng chình” từng bước lưu luyến không muốn tan. Mọi vật của ngày đầu thu chậm lại, chững lại, níu kéo lòng người.

Một lần nữa khiến tác giả phải tự vấn:

“Hình như thu đã về.”

Nhà thơ vẫn đang trong trạng thái mơ hồ. Thu sang nhanh quá, kì diệu quá, đẹp quá khiến con người còn lầm tưởng là đang mơ. Cái phát hiện “hình như” thật đáng yêu, trong sáng.

cam nhan cua em ve bai sang thu - Cảm nhận của em về bài Sang thu

Cảm nhận của em về bài Sang Thu

Trong bốn câu thơ, tác giả dường như đã chạm vào thu bằng khứu giác (hương), xúc giác (se lạnh) và thị giác (chùng chình) để cảm thấu thiên nhiên. Trạng thái tâm tưởng tác giả cũng có sự vận động từ ngạc nhiên, quen dần và cảm nhận.

Tiếp theo, hàng loạt những hình ảnh mùa thu được tác giả thể hiện rất sống động:

“Sông được lúc dềnh dàng  

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ  

Vắt nửa mình sang thu.”

Sự sống như đang ngọ nguậy nhẹ nhàng. Dòng sông tự mình được dềnh dàng. Sông vốn là vật chết nhưng trong câu thơ nó lại được sống nhờ hai từ “được lúc”. Dòng sông với tâm thế chủ động cũng đang hòa theo nhịp chậm rãi của thiên nhiên mùa thu.

Câu thơ thứ hai trái lại là sự “vội vã” của những cánh chim nhỏ. Loài chim cảm nhận được cái rét của mùa đông ngay khi mùa thu vừa tới. Chúng vội vã kiếm tìm thức ăn chuẩn bị cho mùa đông dài. Có lẽ, cả bài thơ chỉ có chúng là vội vàng, hấp tấp nhất. Đó phải chăng là một chút khuấy động trong tâm hồn nhà thơ khi chợt nhận ra hết thu là đông về, thời gian nhanh lắm, chẳng mấy chốc mà tuổi xuân sẽ qua mau. Những đám mây cũng đang bước vào trạng thái “vắt nửa mình” giao thoa giữa mùa hè và mùa thu. Một đám mây mà tác giả thấy trong nó cả hơi thở mùa hè và màu mùa thu mới thật tinh tế, tài hoa biết bao. Quả là một tâm hồn nhạy cảm.

Giọng thơ cuối bài dần trầm xuống, triết lí, suy tư:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng  

Đã vơi dần cơn mưa  

Sấm cũng bớt bất ngờ  

Trên hàng cây đứng tuổi.”

Bài thơ tập trung vào hai từ “đứng tuổi”, nó khiến ta nghĩ nhiều tới những sự từng trải. Những cây cổ thụ già suốt đời quen giông bão cũng không còn “bất ngờ” trước sâm chớp, nắng gió thiên nhiên khắc nghiệt nữa. Cũng như chính tác giả: Con người khi đã đến cái tuổi xế chiều cũng không còn sợ hãi, lo lắng trước khó khăn, thử thách nữa.

Tóm lại, bài thơ “Sang thu” đã ghi lại cảm nhận về sự chuyển mùa độc đáo, tinh tế của thiên nhiên và bộc lộ một cái tôi Hữu Thỉnh chiêm nghiệm, triết lí.

Hoài Lê

Check Also

bodethi img - Phân tích nhân vật Phương Định trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi

Phân tích nhân vật Phương Định trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi

Phân tích nhân vật Phương Định trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi Truyền …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *