Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh.
Bài làm
Đọc “Sang thu” của Hữu Thỉnh, tôi lại nhớ hai câu thơ của Chế Lan Viên:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”.
Phải chăng, tâm hồn của Hữu thỉnh đã ăn sâu vào mảnh đất Bắc Bộ? Để rồi vấn vương theo ngọn gió heo may quyện trong sương thu? Bởi lẽ bài thơ “Sang thu” đã vẽ lên bức tranh thiên nhiên mùa thu rất đặc trưng của làng quê đồng bằng Bắc Bộ, góp vào kho tàng thơ ca hiện đại Việt Nam.
Hữu Thỉnh (sinh 15/2/1942), tên thật là Nguyễn Hữu Thỉnh, bút danh Vũ Hữu. Nhà thơ Hữu Thỉnh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1976, hiện là chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (3 nhiệm kỳ liên tiếp) đồng thời kiêm nhiệm Tổng biên tập Báo Văn nghệ. Hữu Thỉnh sinh ra trong một gia đình nông dân có truyền thống Nho học nhưng phải trải qua tuổi thơ ấu không dễ dàng. Tuy vậy, nhà thơ có rất nhiều sáng tác đáng chú ý như: "Sang thu", “Âm vang chiến hào”, “Từ chiến hào tới thành phố”, “Thư mùa đông”, “Trường ca biển”…
Bài thơ “Sang thu” được sáng tác năm 1977 diễn tả lại cảnh làng quê Bắc Bộ trong tiết giao mùa từ hạ sang thu rất tự nhiên. Qua đó khắc họa một tâm hồn Hữu Thỉnh rất mực tinh tế, nhạy cảm trước mọi biến chuyển của không gian.

Đoạn thơ đầu tiên miêu tả bức tranh thu với những chuyển biến bất ngờ:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se,
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.”
Những dấu hiệu rất đặc trưng của mùa thu lần lượt xuất hiện: hương ổi chín, gió se lạnh, sương giăng. Từ “bỗng” thể hiện trạng thái ngạc nhiên, lạ lẫm. Từ “phả” tạo cảm giác hương ổi đang tỏa ra, chùm lấy không gian. Từ “chùng chình” lại như đang chậm bước, lưu luyến không gian ngõ xóm. Dường như sự vật xuất hiện lần lượt, chậm dần và dường như cũng có sự vận động trong nhận thức tác giả, từ bất ngờ thấy tới đón nhận rồi hòa mình cảm nhận.
Mùa thu luôn tạo cảm giác khó tả trong lòng người, vừa có cái khí trời của mùa hạ nắng nóng lại vừa có cái lạ của gió mới. Tác giả chỉ còn biết phô mọi giác quan để cảm nhận từ khứu giác (hương), xúc giác (se lạnh) tới thị giác (chùng chình). Cuối cùng tác giả mới chọt tỉnh mà thốt lên: “Hình như thu đã về”.
Cùng với thời tiết, mọi vật cũng bắt đầu biến chuyển:
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.”
Các thực thể “sông”, “chim”, “mây” lần lượt vận động. Dòng sông được nhân hóa lên, đang dềnh dàng như nàng thiếu nữ đôi mươi. Loài chim cũng tới thời kì tích lũy thức ăn, vun vén tổ thật vững chắc để trải qua mùa đông dài. Đáng chú ý nhất là hai câu thơ tả đám mây. Những đám mây cũng đang bước vào trạng thái giao thoa giữa hè và thu. Từ “vắt” rất độc đáo, giàu sức tượng hình. Những đám mây mùa hạ tựa như chiếc khăn trắng mềm mại, uyển chuyển, uốn lượn tren bầu trời.
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.”
Không còn vẻ ngạc nhiên như lúc đầu, giọng thơ dần trầm xuống, triết lí, suy tư. Nắng hè cũng không còn gay gắt, mưa cũng vơi dần, những hàng cây quen cũng đã quen với sấm chớp bão giông. Từ “đứng tuổi” khiến ta nghĩ nhiều tới những con người từng trải. Có lẽ tác giả đang tự chiêm nghiệm về cuộc đời: con người đến một lúc nào đó, khi mà tuổi trẻ nồng nhiệt qua đi, bước giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời thì không còn bất ngờ, bị động nữa.
Tóm lại, bài thơ “Sang thu” đã ghi lại cảm nhận về sự chuyển mùa độc đáo, kì diệu của thiên nhiên Bắc Bộ. Qua đó, cái tôi Hữu Thỉnh tinh tế, từng trải được bộc lộ khéo léo, sâu sắc.
Mùa thu là đề tài quen thuộc, khơi nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thơ. Có người thích thu buồn bã, cô liêu trong thơ Xuân Diệu, có người yêu mùa thu thơ mộng, xác xơ trong thơ Lưu Trọng Lư hay có người bị hấp dẫn bởi thu lặng tờ, yên ả trong thơ Nguyễn Khuyến… Riêng tôi, tôi chọn cho mình thu đầy chiêm nghiệm trong thơ Hữu Thỉnh.
Hoài Lê