Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh.
Bài làm
Cảm nhận của em về bài thơ Sang Thu – Ngay từ những giây phút đầu tiên đọc bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh, tôi nhận ra mùa thu Việt Nam đáng yêu tới nhường nào. Tôi tự hào vì thiên nhiên đất nước Việt Nam.
Bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh in trong tập thơ “Từ chiến hào đến thành phố”. Bài thơ là một trong những tác phẩm nổi bật của Hữu Thỉnh trong mảng văn học hiện đại, viết vào thời kì đất nước đổi mới mạnh mẽ. Bài thơ là tiếng lòng tha thiết của Hữu Thỉnh về mùa thu tươi đẹp và thân thương. Với những sắc thái và hình ảnh thơ rất riêng, bài thơ góp phần khẳng định tên tuổi của nhà thơ Hữu Thỉnh.
Mùa thu là thể tài quen thuộc, xuất hiện với tần suất dày đặc trong thơ ca Việt Nam mọi thời đại. Xưa cụ Nguyễn Khuyến với chùm ba bài thơ thu “Thu Điếu – Thu Ẩm – Thu Vịnh”, rồi Xuân Diệu – “ông hoàng” thơ tình có bài “Đây mùa thu tới”, đến Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài “Thu dạ”… Nay trên mảnh đất đã có nhiều tay thợ cày tài ba, Hữu Thỉnh vẫn tạo ra đường những đường đi rất riêng. Ngay từ hình ảnh đầu tiên, ta đã nhận ra cái riêng ấy, một cái riêng hình thành từ những điều quen thuộc:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”
Từ hương ổi chín, gió se, sương mù… tất cả đều là dấu hiệu rất đặc trưng của mùa hè. Cảm nhận thiên nhiên bằng cả thính giác, thị giác và xúc giác, mùa thu như chạm lên con người bằng tất cả mọi cách có thể. Tác giả thốt lên “Hình như”! Thu sang nhanh quá, kì diệu quá khiến con người phải ngạc nhiên. Chỉ sau một đêm, con người thức dậy và thấy thiên nhiên thay đổi nhanh tới mức còn tưởng mình vẫn chìm trong giấc mộng. Nhịp thơ chậm rãi toát lên từ các từ “phả vào”, “chùng chình” tạo nên cho người đọc cảm giác không gian và thời gian đang ngưng đọng lại trong chính giây phút này.
Tác giả chuyển điểm nhìn từ đường, ngõ lên trên bầu trời cao và miền đất xa:
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
Cái chủ động của sông đang tự mình “dềnh dàng” thật sáng tạo. Vật chết là sông lại có thể hóa thành sự sống, sự sống ấy còn có tâm trạng. Dòng sông cũng chầm chậm trôi để ngắm, để đắm chìm cảnh thu sang. Những loài chim cũng nhận ra thu đang về, cánh chim gấp gáp hơn kiếm thức ăn chuẩn bị cho mùa đông giá rét.
Cảm nhận của em về bài thơ Sang Thu
Hình ảnh đám mây mùa hạ mới thực sự là hình ảnh xuất sắc nhất bài thơ. Đám mây ấy là đám mây của mùa hạ, vần vũ và chất chứa nhiều khắc nghiệt. Còn mây mùa thu lúc nào cũng trôi nhẹ, trắng bồng bềnh. Đám mây trong thơ Hữu Thỉnh thật đặc biệt! Nó đang “vắt nửa mình”. Ba chữ “vắt nửa mình” vừa tạo cảm giác như đám mây đang chuyển động rất mau, rất lẹ vừa tạo nên hai mảng màu của đám mây, mảng đen của mưa bão màu hè và mảng trắng sáng của trời thu. Bức tranh thiên nhiên thu sang lúc nhanh lúc chậm, vô cùng sống động, nhộn nhịp.
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.”
Giọng thơ dần dần thiên về chiều chiêm nghiệm, triết lí. Yếu tố “nắng”, “mưa” và “sấm” của thiên nhiên dường như được tác giả sử dụng để hàm ý tới những khó khăn, vất vả của cuộc đời. Còn hình ảnh “hàng cây đứng tuổi” tượng trưng cho con người từng trải. Một người đã bước sang tuổi gần kề với cát bụi đã trải qua bao nhiêu sóng gió trong cuộc sống. Thế nên họ không còn “bất ngờ” nữa. Hữu thỉnh muốn kết luận lại một triết lí sâu xa ở đời, đó là con người sau khi được tôi luyện bản lĩnh sống sẽ không còn run sợ trước bất kì biến cố nào của cuộc đời nữa.
Bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh là sự hòa quyện giữa yếu tố trữ tình và chất triết lí. Bài thơ không chỉ ca ngợi thiên nhiên đất nước mà còn là sự tự suy tư của hồn thơ Hữu Thỉnh. Đó không chỉ là cái sang thu của thiên nhiên mà còn chính là cái sang thu của lòng người!
Hoài Lê