Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ “Tây Tiến” – Quang Dũng.
Bài làm
Thơ ca chống Pháp, chống Mỹ nói nhiều về hình ảnh người lính. Có người lính lạc quan ngồi “xe không kính” trong thơ Phạm Tiến Duật, có người lính bình lặng gác súng trong thơ Chính Hữu… Nhưng với tôi người lính trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng là đẹp hơn cả. Bài thơ ấn tượng trong cả nội dung và hình thức thể hiện.
Quang Dũng (1921-1988) là cây bút vô cùng tài hoa, phóng khoáng, lãng mạn. Bài thơ “Tây Tiến” được sáng tác năm 1948 tại làng Phù Lưu Chanh. Khi đó, nhà thơ vừa rời khỏi đơn vị cũ Tây Tiến, chuyển sang hoạt động tại đơn vị khác đã nhớ và viết lên bài thơ này. Bài thơ không chỉ vẽ lên khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà còn khắc họa hình ảnh người lính vô cùng bi tráng.
Bài thơ cất lên bởi một tiếng gọi tha thiết, đầy âm hưởng vang vọng:
"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”
Tiếng gọi tên sông Mã, tên đoàn quân Tây Tiến gợi về một mảng kí ức sâu thẳm trong tâm hồn. Tây Tiến là tên một đơn vị bộ đội thời chống Pháp thành lập năm 1947, hoạt động chủ yếu ở vùng biên giới Việt-Lào. Nhiệm vụ của binh đoàn là phối hợp với bộ đội Lào, tiêu hao sinh lực quân Pháp ở vùng Thượng Lào và Tây Bắc Việt Nam.
Câu thơ thứ hai với điệp ngữ “nhớ”, gieo vần lưng “rồi”-“ơi”, vần chân “ơi”-“với” tạo cảm giác như một tiếng gọi vô cùng thân thương, vang vọng. Tác giả như đang gọi về những năm tháng gian khổ, hi sinh mà nghĩa tình.
Nỗi “nhớ chơi vơi” ở đây cũng rất đặc biệt. Nỗi nhớ ấy không thể cân, đo, đong, đếm nhưng lại vô cùng da diết, ám ảnh. Hơn nữa, nối nhớ như đang hiện lên trùng trùng điệp điệp, mơ hồ như sương núi, phảng phất như mưa rừng.
Đoạn thơ tiếp theo tác giả đi vào đặc tả thiên nhiên và con người trong nỗi nhớ, hiện về vừa huyền ảo vừa dữ dội.
"Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi."
Một loạt các địa danh được tác giả liệt kê như: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông. Nó gợi về những tháng ngày đoàn binh hoạt động trải dài từ Sơn La, Hòa Bình, miền tây Thanh Hóa đến Sầm Nưa (Lào). Đó là tên những ngọn núi, con sông, tên bản làng… mà họ đã đi qua. Đó cũng chính là không gian thấm đượm nghĩa tình, gắn bó. Những mảnh đất xa xôi, hẻo lánh, chưa có dấu chân người hiện ra trước mắt người đọc vô cùng hiểm độc, nguy nan thông qua các từ gợi hình: sương lấp, khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút, ngàn thước, mưa xa khơi.
Trong khi đó, hình ảnh người lính thì hiện lên trong tình trạng “đoàn quân mỏi” và “súng ngửi trời”. Đoàn quân mỏi mệt, đuối sưc giữa trời đất hoang sơ, lạnh giá. Làm sao mà không mỏi cho được giữa “rừng thiêng nước độc” đầy sương giá, sườn dốc, vực sâu, mưa mù đây? Chi tiết “súng ngửi trời” dường như lại lật ngược tâm trạng. Mỏi mệt là thế, nhưng người lính vẫn như đang đứng ở nơi cao nhất, mũi súng có thể chạm tới bầu trời. Người lính tựa như đang làm chủ không gian, làm chủ hoàn cảnh.
Người lính tiếp tục xuất hiện trong tình cảnh hiểm nghèo:
"Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi."
Người lính lúc này đã “không bước nữa” và “gục lên súng mũ bỏ quên đời”. Họ đã kiệt sức. Họ trở về với đất mẹ. Nhưng điều đặc biệt là, Quang Dũng nói về cái chết thật nhẹ nhàng mà xúc động biết mấy. Người lính phải bỏ lại cả tuổi xuân, cuộc đời nhưng họ tựa như chỉ vừa đi vào giấc ngủ bình yên. Trong giấc mơ đó chỉ còn hình ảnh bình dị, thân thương. Đó là hình ảnh nấu cơm chiều đầy khói tỏa của bản làng. Đó là hình ảnh xôi nếp thơm mùi quê hương. Đó là hình ảnh “em” – người con gái miền Tây khéo léo, tần tảo, thủy chung. Con người bình yên, nhưng thiên nhiên lại gào thét. Thác cũng giận dữ trước cuộc chiến tranh phi nghĩa cướp đi cuộc đời của bao con người.
"Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.”
Đoạn thơ vẽ lên bức tranh đêm hội đuốc hoa rực rỡ ánh sáng và đậm tình quân – dân. Một loạt các từ diễn tả khung cảnh đêm hội được tác giả sử dụng rất hiệu quả như: bừng, đuốc hoa, xiêm áo, khèn lên, man điệu, e ấp, nhạc, hồn thơ. Bức tranh đêm hội đậm chất thi, ca, nhạc, họa và cả tình cảm vô cùng ngây thơ, trong sáng của những người lính.
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có nhớ hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa."
Bức tranh thiên nhiên từ đêm hội đuốc bất ngờ chuyển sang Tây Tiến kì ảo trong buổi chiều sương. Thiên nhiên với những bông lau trắng như đang đung đưa hai bên bờ tiền sử, soi bóng xuống mặt hồ. Còn con người cũng đẹp tương xứng với bức tranh thiên nhiên đó.
Và rồi qua rất nhiều cung bậc cảm xúc của nỗi nhớ thơ mộng, hiện thực một lần nữa ùa về:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá giữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh,
Áo bào thay chiếu anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”
Đến đây, sự khắc nghiệt của bão lửa chiến tranh và thiên nhiên độc hiểm càng trở nên khủng khiếp. Bệnh dịch, thời tiết khắc nghiệt, đời sống vật chất thiếu thốn khiến đoàn binh “không mọc tóc”, nét mặt xanh xao “giữ oai hùm”. Ấy vậy mà người lính đâu đó vẫn chan chứa tình thương. Người lính luôn đau đáu hướng về quê hương xa xôi, nhìn về bên kia biên giới để mà mơ “dáng kiều thơm” – những người con gái sắc sảo, thảo thơm đất Hà Thành. Vì tình yêu quê hương đất nước, vì ai đó đang ở nơi xa ngóng chờ mà người lính cầm súng bảo vệ cho họ bầu trời bình yên.
Với người lính Tây Tiến, cái chết không đáng sợ. Câu thơ “Rải rác biên cương mồ viễn xứ” miêu tả những nấm mồ rải rác của những người đồng đội đã hi sinh nơi biên giới đất trời. Những người lính phải bỏ mạng nơi chiến trường chỉ có độc manh chiếu quấn quanh rồi đắp nắm đất làm nơi an nghỉ. Nghiệt ngã nhưng người lính lại vô cùng quật cường, “chẳng tiếc đời xanh”. Xa xa, tiếng thác dội của con sông Mã có dòng chảy “ngược” vẫn đang “gầm lên khúc độc hành”. Âm thanh kết thúc bài thơ thật bi tráng!
Bài thơ “Tây Tiến” là khúc ca bi tráng về người lính thời chống Pháp cũng đã thể hiện sự tài hoa của ngòi bút nhà thơ Quang Dũng. Em đã yêu người lính từ những câu thơ như thế!
Hoài Lê