Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng.
Bài làm
Cảm nhận về bài thơ Tây Tiến – “Thơ là thơ, đồng thời là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng”, câu nói của Sóng Hồng khiến tôi nhớ nhiều đến bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng. Bài thơ thành công không chỉ trong nội dung và hình thức biểu hiện mà còn bởi tiếng lòng Quang Dũng thiết tha vô cùng.
Quang Dũng là một người nghệ sĩ vô cùng tài hoa. Ông vừa là nhà thơ, nhạc sĩ và họa sĩ. Về mảng thơ, Quang Dũng nổi bật với cái tôi trữ tình, lãng mạn nhưng không kém phần hiện thực nhức nhối.
Bài thơ “Tây Tiến” khắc họa bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, hoang dại và hình ảnh những người lính vô danh hào hùng, hào hoa trong thời kì chống Pháp gian khổ.
Bài thơ ra đời năm 1948 tại Phù Lưu Chanh trong nỗi nhớ thiết tha của Quang Dũng về những ngày tháng hoạt động tại đơn vị cũ Tây Tiến. Tây Tiến là tên một đơn vị bộ đội thời chống Pháp thành lập năm 1947, nhiệm vụ chính là phối hợp với bộ đội Lào làm tiêu hao sinh lực địch ở vùng biên giới Việt – Lào.
Một Tây Tiến phiêu bồng, tráng liệt mở đầu cho bài thơ như tiếng gọi thiết tha về những năm tháng trong kí ức Quang Dũng:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”
Sông Mã – một con sông hùng vĩ, bắc ngang qua hai nước Việt – Lào. Cái tên sông Mã theo quan niệm của người Kinh là do nước chảy xiết ngược dòng như ngựa phi. Một con sông hoang dại, mãnh liệt cũng là nơi mà trước kia binh đoàn Tây Tiến hoạt động.
Tác giả gọi tên sông Mã, tên binh đoàn Tây Tiến trong nỗi nhớ “chơi vơi”. Từ chơi vơi thể hiện cảm xúc rất xa vời, kì ảo như sương rừng Tây Bắc như mưa núi trung du.
Những hình ảnh quen thuộc trong kí ức ùa về… Tác giả làm rõ hơn về sông Mã, về Tây Tiến:
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”
Sài Khao, Mường Lát là những địa danh có thật, là những vùng đất mà đoàn quân đã ở lại, đã đi qua. Và rồi, một thiên nhiên rất đặc trưng hiện lên trong hơi sương núi, dốc, đèo, mây… Đoàn quân hành quân trong sương dày “lấp” cả màu áo, trong đêm đen buốt giá vừa hiện thực vừa lãng mạn biết mấy. Con đường hành quân gian lao và nguy hiểm hơn nữa vì cái “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “ngàn thước lên”, “ngàn thước xuống”. Vậy mà nhà thơ vẫn nhận ra một hình ảnh thật thú vị của “súng ngửi trời”. Mũi súng hướng lên trời cao thăm dò, thưởng thức thiên nhiên đẹp huyền bí, diệu kì. Đoạn thơ sử dụng hàng loạt những thanh trắc để cuối cùng thả mình vào câu thơ kết:
“Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.”
Một câu thơ toàn thanh bằng. Câu thơ như bước đệm để dẫn tới những hình ảnh đầy thương xót tiếp theo:
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.”
Hiện thực hi sinh là không thể tránh khỏi. Nhưng nói chuyện hi sinh bằng giọng điệu trữ tình thì chỉ có Quang Dũng mới làm tốt. Người lính hi sinh nhưng nghe như “nhẹ tựa lông hồng”, chỉ là dừng chân, “không bước nữa” để tì ngực vào súng mà ngủ “gục”. Trong tiếng thét của “oai linh” và tiếng gầm của cọp, người lính ra đi trong yên bình, trong khói cơm nếp thơm, trong tình yêu người em gái nhỏ.
Nhớ về Tây Tiến, Quang Dũng nhớ tới những ngày tháng có đêm hội đuốc hoa:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.”
Đêm hội đuốc hoa rực rỡ ánh sáng và đậm tình quân – dân được thể hiện qua các từ: bừng, đuốc hoa, xiêm áo, khèn lên, man điệu, e ấp, nhạc, hồn thơ. Ở đó hình ảnh em gái rất đáng chú ý. Người em gái đó có thể là các cô thiếu nữ xúng xính váy hoa múa hát hoặc có thể chỉ là do các anh bộ đội vui tính đóng giả các cô gái để chọc vui mọi người. Người đọc không rõ nữa. Chỉ có tác giả biết rõ và cách thể hiện nó vô cùng trong sáng, tinh khôi. Bức tranh đêm đuốc đầy đủ thi ca nhạc họa, nhưng bức tranh chiều sương lại thiên về u tịch, trầm hùng:
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có nhớ hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa."
Những bông lau trắng như đang đung đưa hai bên bờ tiền sử, soi bóng xuống mặt hồ. Ta bỗng nhớ tới hai câu thơ trong Truyện Kiều:
“Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.”
Còn con người cũng đẹp tương xứng, hài hòa với bức tranh thiên nhiên đó. Hoa soi bóng hay con người đang ngắm mình dưới mặt nước trong? Là thiên nhiên hoa hòa quyện với nước hồ hay con người thắm thiết với thiên nhiên?
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh,
Áo bào thay chiếu anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”
Sau những nỗi nhớ thân thương, đượm tình người, nhà thơ lại trở về với hiện thực khó khăn. Bệnh dịch, thời tiết khắc nghiệt, đời sống thiếu thốn khiến đoàn binh rụng hết tóc, gầy guộc xanh xao, rất dữ tợn. Thế mà, tâm hồn hào hoa của họ vẫn hướng về những “dáng kiều thơm”, là những người con gái thảo thơm của đất Hà Thành, nơi họ sinh ra. Nhưng biết làm sao khi tiếng gọi Tổ quốc thúc giục họ lên cầm súng lên đường? Cái chết không đáng sợ. Dù có “Rải rác biên cương mồ viễn xứ” thì họ cũng không “tiếc đời xanh”.
“Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”.
Những câu thơ kết như lời nhắc nhở phải biết ơn những con người đã thầm lặng hi sinh vì đất nước.
Đến nay, có lẽ khúc độc hành “Tây Tiến” vẫn ngân vang trong lòng người đọc bao thế hệ như tiếng cồng thiêng của núi rừng Tây Bắc.
Mỗi lần gấp trang thơ lại, tôi như thấy tiếng hát hành quân xa trên những dặm trường độc dữ và đâu đó phảng phất trong khói sương bóng người lính áo xanh vừa ngã xuống. Bài thơ “Tây Tiến” là bài ca ám ảnh đầy vang vọng không chỉ với tôi mà có lẽ còn với nhiều người khác.
Hoài Lê