Home / Văn mẫu / Văn mẫu lớp 12 / Cảm nhận về hình tượng người lính Tây Tiến

Cảm nhận về hình tượng người lính Tây Tiến

Đề bài: Cảm nhận của em về hình tượng người lính trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng.

Bài làm

Cảm nhận về hình tượng người lính Tây Tiến – Trong lần in thứ hai, Quang Dũng đã quyết định bỏ từ “Nhớ” trong nhan đề “Nhớ Tây Tiến”, có lí do nào đặc biệt ở đây chăng? Có lẽ, Quang Dũng không muốn nhấn mạnh vào nỗi nhớ mà khái quát hơn về Tây Tiến và hình tượng những người lính này. Đúng thế, bài thơ “Tây Tiến” nổi bật hơn cả là hình ảnh những người lính Tây Tiến vừa hào hùng, vừa hào hoa.

Người lính Tây Tiến hiện lên không phải trong thế xông pha trận mạc hay quyết tâm bền chí “xếp bút nghiên theo việc đao cung” trong thơ xưa mà hiện nên như đúng cái tên gọi của họ – đoàn quân tiến về phía Tây.

Một ngày đẹp trời năm 1948, ngồi tại Phù Lưu Chanh, Quang Dũng bỗng náo nức nhớ về “mùa xuân ấy”, một mùa xuân phiêu bồng, tráng liệt có những người đồng đội của Quang Dũng:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”

Có lẽ, điểm đặc biệt của bài thơ chính là tạo ra nỗi nhớ thăm thẳm, “chơi vơi” bao trùm lên toàn bộ thiên nhiên, con người và tình cảm. Ta nao nao nhớ nơi ấy. Đó là nơi có rừng sâu, núi thẳm, nước cuộc sóng trào. Và xa xa, dữ dằn, gân guốc, ta bắt gặp người lính bước đi, in đậm dấu chân người vệ quốc trên mọi nẻo đường ghềnh thác nhất:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Đoàn quân Tây Tiến nhọc nhằn, lầm lũi bước trên một vùng không gian tàn khốc, dữ dội lại càng tăng vẻ trầm mặc, kiêu hùng. Người lính đứng trước dốc núi treo leo, đất đá hiểm trở, nước độc ngàn thiêng nhưng những bước chân vẫn đều tiến. Thế nên, người đọc lại càng bị cuốn hút theo dấu chân ấy, khi lên cao ngất ngưởng, khi xuống sâu thăm thẳm để rồi đỉnh điểm ta thả mình vào đất trời chơi vơi. Hình ảnh “súng ngửi trời” và “mưa xa khơi” góp phần biến một đoạn thơ khúc trắc, cứng ngắc trở nên trữ tình, hòa hảo. Người lính đẹp lãng mạn trong thiên nhiên diệu kì.

Thế rồi, khi hi sinh thì sao? Người lính lại mang cái chất rất thật, rất thương:

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ, bỏ quên đời”

Có người cho rằng người lính trong “Tây Tiến” bi thương. Không, họ bi tráng mới đúng. Bi thương là nỗi đau khiến người ta phải thương hại. Nói nỗi đau, Quang Dũng vẫn mang chất giọng trầm hùng, lãng mạn thì nó đâu phải là bi thương nữa.

cam nhan ve hinh tuong nguoi linh tay tien - Cảm nhận về hình tượng người lính Tây Tiến

Cảm nhận về hình tượng người lính Tây Tiến

Có thể người lính hi sinh không kiêu bạc, bất khuất như chàng Kinh Kha:

“Phong tiêu tiêu hề Dịch thủy hàn

Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn”

Song cái chết của người lính nhẹ nhàng như một chiếc lá nhẹ lìa cành, chỉ là “không bước nữa”, chỉ như vừa ngủ “gục” trên mũ xanh, súng ống. Họ đã mạnh mẽ đi đến bước đường này, họ đáng được khâm phục.

Khắc họa hình ảnh người lính gian khổ trong đời sống thường nhật, Quang Dũng vẫn giữ nguyên cái chất hiện thực dữ dội pha chút lãng mạn, yêu sống ấy:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Cái khắc nghiệt của thiên nhiên và rừng già khiến họ trở nên đáng sợ: “không mọc tóc”, “xanh màu lá”, “dữ oai hùm”, “mắt trừng”. Thế nhưng, Quang Dũng vẫn nhìn ra vầng sáng lung linh trong những tâm hồn hết sức đa tình, bay bổng.

Sự bay bổng ấy hiện hữu rõ nét nhất trong đêm “hội đuốc hoa” và “buổi chiều sương”

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

Trong gian khổ, họ vẫn tình tứ đùa vui “kìa em”, “em là ai?”. Là “bóng hồng” sơn cước hay chỉ là người lính tếu táo đóng giả? Điều ấy chẳng còn quan trọng. Nhạc, thi, họa, sắc hòa vào nhau “man điệu” phiêu bạt về tận Lào. Thế nên, khi chia xa nơi đây vẫy chào bằng những bông lau trắng, hoa đong đưa như làm duyên làm dáng tiễn biệt người lính xuôi dòng. Người lính phút chốc hóa thi sĩ.

Ấn tượng nhất về hình ảnh cuối bài thơ:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Tâm trạng bùi ngùi xót xa của Quang Dũng khiến giọng thơ trầm xuống. Rắn rỏi đến mấy, Quang Dũng cũng không tránh khỏi cảm giác đau thương. Họ bỏ lại cả “đời xanh” nơi đất khách quê người. Họ ra đi trong manh chiếu cói thay “áo bào” ghi công. Chiến tranh – phi nghĩa và đáng lên án biết mấy. Cả đất trời như “gầm” lên tiếng vĩnh biệt.

Tóm lại, bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng đã thành công trong việc xây dựng hình tượng tập thể người lính Tây Tiến vô danh nhưng vô hùng hào hùng, hào hoa. Khúc độc hành Tây Tiến sẽ mãi vang lên như tiếng gầm thiêng của núi rừng Tây Bắc cho những người lính đã không tiếc hi sinh cho dân tộc.

Hoài Lê

Check Also

hoaphuong 10 310x165 - Nghị luận xã hội về cách ứng xử văn hóa trong giao thông hiện nay (lớp 12)

Nghị luận xã hội về cách ứng xử văn hóa trong giao thông hiện nay (lớp 12)

Nghị luận xã hội về cách ứng xử văn hóa trong giao thông hiện nay …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *