Đề bài: Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng.
Bài làm
Viết về đề tài người lính, nhà thơ Quang Dũng nổi tiếng với bài thơ Tây tiến. Anh không viết về những chiến công vang dội, anh viết về những gian khổ hi sinh mà người lính đã trải qua không phải để kêu than hay xót xa, anh viết để người đọc thấy hết sự thật khốc liệt của chiến tranh và cảm nhận được chất nghệ sĩ trong mỗi người chiến sĩ. Trong gian khổ, hi sinh, người lính Tây Tiến vẫn ngời lên khí phách hiên ngang, bản lĩnh kiên cường.
Những người lính Tây Tiến phần lớn là học sinh, thanh niên Hà Nội, tiểu tư sản trí thức. Họ hăm hở lên đường bỏ lại phía sau phố phường nhộn nhịp để bước vào cuộc chiến đấu đầy gian khổ mà vẫn phơi phới yêu đời. Nhà thơ Quang Dũng cũng là một thành viên của binh đoàn Tây Tiến ấy. Bởi vậy, Tây Tiến là nỗi nhớ, niềm thương về một thời chiến đấu gian khổ hào hùng, dữ dội và say mê của anh.
Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến
Chân dung người lính trong thơ anh vừa mang nét chân thực vừa hết sức lãng mạn. Vẻ đẹp người lính được khắc họa, đem đến cho người đọc cảm xúc yêu mến, tự hào. Tác giả miêu tả nỗi nhớ xen cảm giác tiếc nuối:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Những chặng đường hành quân ra mặt trận, những cánh rừng ven sông giờ đây là những kỉ niệm xa vời, trở thành nỗi nhớ diệu vợi, thường trực trong lòng người lính. Nỗi nhớ thẳm sâu, lan tỏa vào không gian, khó diễn tả, cảm xúc hẫng hụt, man mác buồn. Nỗi nhớ tưởng như xa mà lại gần, cụ thể, da diết.
Sau sông Mã, nhiều địa danh cũng hiện lên trong nỗi nhớ của người lính:
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Những nơi người lính đi qua đều trở nên gần gũi, thân thiết, cứ hiện về trong nỗi nhớ. Ở những nơi đó luôn lấp lánh tình người, vẫn luôn cho người lính cảm nhận được sự tươi mát của thiên nhiên, đủ để thấy chất hiện thực hòa cùng chất lãng mạn, cái hiện thực của những chặng đường hành quân vất vả: đoàn quân mỏi không làm mất đi sự phấn chấn: hoa về trong đêm hơi.
Bức tranh Tây Tiến hiện ra lung linh, rực sáng trong sắc màu huyền ảo. Khung cảnh núi rừng nơi đoàn quân Tây Tiến đi qua mang nét thơ mộng mà hùng vĩ. Nỗi nhớ của tác giả dẫn chúng ta về với những kỉ niệm còn tươi nguyên như vừa mới đâu đây:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Hai câu thơ giàu tính tượng hình đã diễn tả cụ thể và sinh động nhất những gian khổ mà người lính trải qua, gợi cảm giác gập ghềnh, hoang vắng đến dễ sợ. Địa hình chiến đấu quả là hiểm trở. Hình ảnh súng ngửi trời không chỉ gợi độ cao nơi mà các anh đứng làm nhiệm vụ, nó còn gợi tinh thần sẵn sàng chiến đấu, khí phách ngạo nghễ, tư thế hiên ngang cùng với sự dí dỏm của người lính. Giữa thiên nhiên hoang vắng chưa có dấu chân người, các anh đến đây không hề đơn độc, làm chủ bầu trời và mặt đất mà vẫn lạc quan bất chấp hiểm nguy:
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.
Đó là những dẫn chứng sống động nhất về những gian khổ, hiểm nguy lúc nào cũng cận kề với người lính. Có những người lính đã ngã xuống nếu không vì quân giặc giết hại thì cũng vì những cơn sốt sét giữa rừng già:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Anh lính đã dãi dầu qua bom đạn, dãi dầu qua mưa nắng và đến khi không thể bước tiếp được nữa anh vẫn thể hiện bản lĩnh vững vàng, coi cái chết thật nhẹ nhàng như đi vào giấc ngủ: bỏ quên đời.
Sau những giờ chiến đấu, người lính vẫn luôn vui vẻ, yêu đời:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người lính cứ vô tư tiến về phía trước, bỏ lại đằng sau những vất vả, nhọc nhằn, những đau thương mất mát, họ hiện lên bình dị, gần gũi, tưng bừng, náo nhiệt, thân thiện, yêu thương trong niềm vui chung của đồng bào, của đêm hội. Hình ảnh người em gái dân tộc như làm dịu đi cái đói, cái mệt, bừng lên trong các anh tình yêu cuộc sống. Mỗi một miền đất là một miền nhung nhớ với những nét thân thuộc:
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Những hương vị mang nét đặc trưng mỗi nơi các anh đi qua thấm đượm vào nỗi nhớ như bâng khuâng, da diết, khắc khoải. Chặng đường hành quân được tác giả tượng hình hóa:
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Núi rừng Tây Tiến trập trùng, hiểm trở cũng không ngăn được cảm xúc của các anh hướng về những mái nhà ấm cúng tình quân dân. Con đường chiến đấu không chỉ có đau thương mất mát mà con đường ấy cũng kì vĩ, đẹp lung linh trong tâm hồn người lính. Người lính không muốn quên, không thể quên quãng thời gian đầy ắp kỉ niệm đó và luôn hoài niệm về nó.
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có thấy dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Nỗi nhớ của người lính như cụ thể hơn, mang bóng dáng con người, nỗi nhớ của những người trẻ tuổi như khao khát về một miền đất thân thương với những con người đầy yêu mến.
Trong nỗi nhớ ấy, anh vẫn không quên được thực tại khốc liệt của cuộc chiến:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Gian khổ, thiếu thốn, rừng thiêng nước độc tới mức tóc không mọc được, da thì xanh xao nhưng người lính vẫn vui tươi dí dỏm, hài hước tinh nghịch.Câu thơ gợi lên âm hưởng mạnh mẽ, hào sảng, đầy khí thế. Người lính ấy cũng mang trong mình những khát vọng, hoài bão:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Những cảm xúc nhớ nhung như bị dồn nén lâu ngày, cứ khắc khoải nhưng lại là nguồn động lực giúp người lính chiến đấu và chiến thắng.
Trong cuộc chiến một mất một còn, người lính ra đi không tiếc đời trai, không sầu thương bi lụy, sống anh hùng mà chết cũng anh hùng:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đì chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Xâu chuỗi những cảm xúc chất chứa trong lòng, tác giả cuối cùng cũng bật lên niềm mong ước được một lần trở lại Tây Tiến trong sự ngậm ngùi, tiếc nuối nhưng vẫn đầy dũng khí và sự quyết tâm:
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi
Với cảm xúc của người lính Tây Tiến, tác giả hồi tưởng lại những khó khăn, gian khổ và những kỉ niệm tươi đẹp trong những tháng ngày hành quân chiến đấu của binh đoàn Tây Tiến. Qua đó, nhà thơ ca ngợi vẻ đẹp hào hoa, hào hùng bi tráng của đoàn quân Tây Tiến, sừng sững, hiên ngang như một tượng đài bất tử về người lính vô danh nơi chiến trường chống Pháp.
Tuấn Đức