Đề bài: Cảm nhận của em về đoạn 3 bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng.
Bài làm
Cảm nhận về đoạn 3 bài thơ Tây Tiến – Cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ đi qua để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử dân tộc và nền văn học nước nhà. Cuộc kháng chiến đã trở thành nơi hội tụ của muôn triệu con người có chung nhiệt huyết và lí tưởng bảo vệ Tổ quốc. Tại đó, có biết bao những bông hoa thắm nở giữa mưa bom. Những người lính Tây Tiến trong bài thơ cùng tên của Quang Dũng như những bông hoa rực rỡ lan tỏa sức sống và tinh thần thép của người Việt trong kháng chiến. Vấn đề đó không ở đâu rõ hơn trong khổ ba của bài thơ “Tây Tiến”:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh,
Áo bào thay chiếu anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”
Suốt bài thơ, chốc chốc Quang Dũng lại gọi tên hai tiếng “Tây Tiến” vừa như muốn nhấn mạnh vừa như muốn ngợi ca. Đoàn quân Tây Tiến là lực lượng quân đội có sự hội tụ đông đảo của những thanh niên từ khắp các phố phường Hà thành. Họ là những người trí thức thuộc tầng lớp tiểu tư sản vừa mới rời trang sách nhà trường để tham gia vào cuộc chiến đấu của dân tộc. Họ đến đây bằng con đường của lí tưởng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Họ hành quân với tinh thần:
“Đoàn cứu quốc quân một lần ra đi
Nào có sá chi mong ngày trở về”
Năm 1947, đoàn binh Tây Tiến hành quân lên vùng Tây Bắc để nhận nhiệm vụ hoạt động tại vùng biên giới Việt – Lào, phối hợp với bộ đội Lào làm tiêu hao sinh lực địch. Địa bàn hoạt động của họ là vùng rừng núi hiểm trở, sâu hun hút, hoang sơ, trầm tịch. Họ giống như những chiến sĩ thầm lặng hi sinh. Nhưng không vì thế Quang Dũng lại khắc họa họ như những người “nông dân áo vải” nghèo khổ trong thơ Chính Hữu:
“Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày”.
(“Đồng chí”)
Người lính thơ Quang Dũng có chút gì đó tếu táo trong hình ảnh “không mọc tóc”. Cái khổ nơi rùng rú khiến người lính rụng hết cả tóc, thế nhưng câu thơ như lật ngược quy luật: người lính đang chủ động không muốn mọc tóc. Cái chủ động ấy tương tự như cái “xe không kính” ta bắt gặp từ thơ Phạm Tiến Duật.
Cảm nhận về đoạn 3 bài thơ Tây Tiến
Rồi cái khổ của người lính còn ám ảnh làn da của họ:
“Quân xanh màu lá dữ oai hùm”
Ta đã biết trước kia người lính thường mặc đồ và ngụy trang cây lá để máy bay địch trên cao không nhận diện được. Thế nhưng, người lính Tây Tiến dường như chẳng cần nữa, vì đến làn da của họ cũng “xanh màu lá” rồi. Vật chất thiếu thốn, ăn uống không đầy đủ nên xanh xao, gầy gộc là lẽ tất nhiên.
Tiếp đến, hình ảnh “mắt trừng” cũng là bút pháp tả thực, thể hiện ánh mắt luôn quan sát, trực chờ, tinh nhạy trong khi người lính đứng gác. Nhưng câu thơ lại đầy chất lãng mạn khi trong ánh mắt ấy lại đang gửi giấc mộng đẹp về quê hương. Nơi đất khách quê người, nỗi nhớ nhà luôn thường trực trong tim họ. Đó là một “dáng kiều thơm”, là những cô gái sơn cước nghĩa tình, là những “em gái” đang mong ngóng nơi Hà thành xa xôi.
Gian khổ đi liền với hi sinh. Hi sinh là điều không thể tránh khỏi của chiến tranh. Viết về sự hi sinh, Quang Dũng dành nhiều bút lực.
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ”
Họ đánh đổi cả “đời xanh” nơi đây. Họ ra đi để lại những nấm mồ hoang xứ lạ. Những nấm mồ chôn “rải rác” không tên, không tuổi vừa rờn rợn, vừa xót xa. Họ về với đất mẹ theo cách đơn giản nhất: một chiếc chiếu quấn quanh người. Chỉ có manh chiếu cói, nhưng Quang Dũng dùng từ “áo bào” lại “sang” biết mấy. Có lẽ trong tim Quang Dũng, nhà thơ muốn dành sự tri ân và tôn vinh cao nhất cho người lính Tây Tiến.
Nhà thơ mượn tiếng suối nguồn chảy linh thiêng của sông Mã để xướng lên lời “tế lễ” trước sự ra đi của người lính:
“Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.
Khúc độc hành Tây Tiến vang vọng như tiếng cồng thiêng Tây Bắc va vào vách đá, va vào núi sâu đang ồ ạt mạch ngầm chảy xiết. Quang Dũng đang “cúi đầu nhận nợ tháng năm xa” (thơ Vũ Quần Phương) viết nên khúc độc hành “Tây Tiến” như nén hương thơm dâng lên những người đã khuất. Tiếng “gầm” của thiên nhiên còn như đang tố cáo cuộc chiến tranh phi nghĩa đã cướp đi cuộc đời của những con người chân chính.
Đoạn thơ trên khá thành công với việc sử dụng từ ngữ cô đọng, giàu sức gợi; sử dụng các từ Hán Việt; đan xen chất hiện thực và lãng mạn tạo nên văn phong của một bài “hịch”. Hình tượng người lính được thể hiện hào hùng, bi tráng nhưng không bi lụy. Qua đó cho thấy phong cách văn chương tài hoa, nghệ sĩ cũng như tấm lòng của Quang Dũng. Bài thơ là khúc ca yêu nước và khúc ca nghĩa tình về một thời kháng chiến, nhắc nhở chúng ta hôm nay phải biết cống hiến và hi sinh vì Tổ quốc.
Hoài Lê