Đề bài: Cảm nhận của em về nhân vật bé Thu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng.
Bài làm
Cảm nhận của em về nhân vật Bé Thu – Chiến tranh vốn luôn mang lại nhiều đau thương mất mát cho con người. Chiến tranh khiến con người li tán, hạnh phúc gia đình bị chia cắt. Có lẽ, nhân vật bé Thu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng cũng trải qua cảnh bất hạnh như vậy. Nhân vật đã để lại cho người đọc rất nhiều cảm xúc.
Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” kể về câu chuyện của hai cha con ông Sáu và Thu. Khi ông Sáu đi kháng chiến trở về cũng là lúc Thu lên tám. Bé Thu không thể nhận ra cha bởi vì vết sẹo dài trên mặt ông Sáu khiến ông Sáu khác hẳn với cha trong bức ảnh chụp chung với má. Đến khi Thu mới thực sự nhận ra cha thì cũng là lúc ông Sáu phải ra đi. Tại khi căn cứ, ông Sáu đã dồn hết tình cảm cho đứa con vào việc làm chiếc lược bằng ngà voi. Trước lúc nhắm mắt trong một trận càn quét của địch, ông gửi lại cây lược cho người bạn để trao cho con gái.
Như vậy, nhân vật bé Thu được Nguyễn Quang Sáng khắc họa thông qua diễn biến tâm trạng trong hai tình huống là không nhận ra cha, coi như người xa lạ và lúc trước khi ông Sáu lên đường ra chiến trường. Nhân vật bé Thu như một biểu tượng cho nỗi đau thương của chiến tranh gây ra và tình cảm gia đình thắm thiết, dạt dào trong tình cảnh khắc nghiệt.
Trước hết, người đọc có thể thấy bé Thu cũng như bao cô bé khác phải chịu cảnh thiếu cha từ nhỏ nhưng không vì thế mà mất đi nội tâm giàu cảm xúc, giàu niềm yêu. Xa người cha ngay từ khi lọt lòng, Thu chỉ biết nghĩ về cha, gửi gắm tình yêu thương với cha qua những hình ảnh treo trong nhà.
Bé Thu là một cô bé cương liệt, cứng rắn. Ban đầu khi ông Sáu gọi Thu bằng con, Thu ngơ ngác, lạ lẫm và chạy gọi mẹ. Vì Thu thấy ông Sáu không giống với người cha trên ảnh vì thế Thu nhất quyết không chịu chấp nhận ông Sáu. Sự phản đối này cho thấy tình thương của Thu với người cha quá lớn đến mức Thu không thể chấp nhận bất kì một người đàn ông nào khác làm cha của mình.
Sự phản kháng, cương quyết của Thu thể hiện rõ nhất trong chi tiết Thu cùng mẹ và ông Sáu ngồi ăn cơm. Trong bữa cơm, mẹ Thu bảo Thu mời cha vào ăn cơm nhưng cô bé đã chỉ nói trống không “vô ăn cơm! cơm chín rồi”, “con kêu rồi mà người ta không nghe”. Khi ông Sáu gắp thức ăn thì Thu không chịu. Trong lúc tức giận ông Sáu đã đánh Thu. Thu một lần nữa phản kháng bằng cách bỏ về nhà ngoại. Khi ngoại giải thích rõ ràng về chiến tranh đã để lại vết sẹo dài trên khuôn mặt ông Sáu, cô bé Thu mới hiểu ra và cảm thấy tự dằn vặt bản thân, cảm thấy có lỗi với cha.
Cảm nhận của em về nhân vật Bé Thu
Tuy hành động của bé Thu có phần ngỗ nghịch nhưng lại rất đáng yêu, đáng mến và hoàn toàn có thể thông cảm được. Những hành động ngang bướng kia chỉ là của một đứa trẻ tám tuổi còn hồn nhiên, trong sáng. Và hơn nữa, với bé Thu, những điều không đúng cô bé sẽ không chịu thừa nhận. Đây cũng là tâm lý chung của những đứa trẻ đang tuổi ăn học.
Ngày ông Sáu chuẩn lên đường đi chiến trường cũng là lúc bé Thu bộc lộ tình thương với cha một cách sâu sắc, nghẹn ngào nhưng cũng tràn đầy cảm xúc. Đúng vào lúc không một ai ngờ tới, kể cả anh Sáu, bé Thu đã thốt lên tiếng gọi thiêng liêng: “Ba a a ba!”. Tiếng “ba” mà tám năm nay Thu cố kìm nén tận đáy lòng nó, là tiếng gọi của tình yêu trong lòng một đứa trẻ luôn mong chờ giây phút gặp ba. Những cử chỉ vồ vập, cuống quýt của Thu như: chạy xô tới, thót lên, dang chặt hai tay, ôm cổ, hôn tóc, hôn cổ, hôn vai, hôn cả vết thẹo dài trên má… Cái kiên quyết không nhận ông Sáu nay đổi thành sự kiên quyết không cho ba đi. Tình cha con thiêng liêng, vĩ đại và thật đáng trân trọng.
Tóm lại, truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng khá thành công khi khai thác đề tài tình cha con, tình cảm gia đình trong chiến tranh. Tâm lí và tính cách nhân vật bé Thu được Nguyễn Quang Sáng thể hiện qua những chi tiết rất hay và chân thực. Bé Thu nổi bật với nét đẹp tâm hồn giàu tình cảm, luôn mạnh mẽ nhưng cũng thật rạch ròi trong mọi chuyện. Chính cái nét ngang bướng nhưng hồn nhiên, ngây thơ ấy đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả.
Hoài Lê