Home / Văn mẫu / Văn mẫu lớp 9 / Cảm nhận về 3 cô gái thanh niên xung phong

Cảm nhận về 3 cô gái thanh niên xung phong

Đề bài: Cảm nhận của em về 3 cô gái thanh niên xung phong trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê.

Bài làm

Giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mĩ của dân tộc đang ở vào giai đoạn ác liệt nhất thì truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê ra đời (năm 1971) giống như bông hoa ngát hương nở rực rỡ bên tuyến trường Trường Sơn trong mưa bom bão đạn kẻ thù. Trong đó, ba bông hoa đẹp nhất chính là ba cô gái thanh niên xung phong Nho, Thao và Phương Định trong tác phẩm. 

Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” xoay quanh câu chuyện về ba cô gái thanh niên xung phong: Phương Định, Thao và Nho cùng thuộc một tổ trinh sát trên tuyến đường Trường Sơn. Nhà văn Lê Minh Khuê đã xây dựng chân dung ba cô gái đại diện cho cả thế hệ thanh niêm xung phong cống hiến cả thanh xuân và cuộc đời cho Tổ quốc.

Trước hết, hình ảnh ba cô gái thanh niên xung phong được xây dựng qua tình huống truyện đặc biệt, qua đó Lê Minh Khuê khắc họa hoàn cảnh sống và chiến đấu vô cùng gian khổ của các nữ thanh niên xung phong. Hình ảnh ba cô gái hiện lên tựa như “cô gái” trong bài thơ “Khoảng trời – hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ:

“Chuyện kể rằng em cô gái mở đường

Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương

Cho đoàn xe kịp giờ ra trận

Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa

Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom”

Thời chiến, thực hiện chủ trương “toàn dân đánh giặc” của Đảng lực lượng nòng cốt của đất nước tham gia “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” không chỉ là nam thanh niên mà còn có cả sự tham gia của các nữ thanh niên xung phong. Trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại nối hai miền Bắc –  Nam, ba cô gái Nho, Thao và Phương Định đảm nhiệm công việc tại vị trí cao điểm trọng yếu, “ngay dưới tầm bom đạn hủy diệt của kẻ thù”. Nhiệm vụ chính của tổ trinh sát mặt đường là “khi có bom nổ thì đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. Đó là công việc vô cùng gian khổ và nguy hiểm. Có vẻ như đó là công việc “làm ăn” với “thần chết” để “mở đường” cho đoàn xe quân ta đi tiếp, đảm bảo tuyến đường huyết mạch luôn được thông suốt.

Công việc của Nho, Thao và Phương Định đòi hỏi phải nhanh, chính xác, bình tĩnh và dũng cảm. Có lúc thần kinh căng thẳng đến lạnh gáy, toát mồ hôi: “Đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay ầm ĩ xa dần. Thần kinh căng như dây chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp xung quanh có nhiều quả bom chưa nổ, có thể bây giờ, có thể chốc nữa…”. Đối mặt với cái chết cận kề, có ai không căng thẳng. Song công việc ấy được tác giả nới đến giống như một hoạt động thường ngày, đã quá quen của các cô gái: “Rồi khi xong việc, quay lại nhìn cảnh đoạn đường một lần nữa, chạy về hang…”.

Hoàn cảnh chiến đấu đã gian nguy, ngay cả “nhà” của họ cũng không kém phần cực khổ. Ba cô gái sống cách xa đơn vị, dưới một cái hang ở chân cao điểm. Có lúc, khói lửa bom đạn che lấp mất cả cửa hang, bầu trời.

cam nhan ve 3 co gai thanh nien xung phong - Cảm nhận về 3 cô gái thanh niên xung phong

Cảm nhận về 3 cô gái thanh niên xung phong

Khi đối mặt với hiểm nguy, họ càng thể hiện dũng khí hơn người. Nho phá bom rất “quả cảm”, khi bị thương vẫn rất bình thản “chìa tay xin Phương Định mấy viên đá mát lạnh sau cơn mưa”. Chị Thao “thong thả nhai bích quy trước tiếng máy bay trinh sát rè rè trộn lẫn tiếng gầm gào và tiếng giội bom của phản lực”. Còn Phương Định đáng khâm phục nhất chính là cái tư thế “Tôi đến gần quả bom… đàng hoàng mà bước tới”. Mỗi ngày Phương Định phải phá ít nhất là ba quả bom. Mỗi lần phá bom, Phương Định đều hoàn thành nhiệm vụ một cách suất sắc.

Như vậy, trước hết Lê Minh Khuê đã thể hiện chân dung các nữ quân nhân có tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nước thiết tha, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc.

Nhưng có lẽ, chính trong hoàn cảnh đặc biệt, Lê Minh Khuê bằng con mắt nhạy cảm và tình yêu với người lính trẻ, nhà văn đã phát hiện ra vẻ đẹp lấp lánh của ba cô thanh niên xung phong như ba ngôi sao sáng nhất giữa muôn vàn ngôi sao ẩn hiện trên bạt ngàn của núi rừng Trường Sơn.

Nho, Thao và Phương Định đều xuất thân từ mảnh đất Hà thành nhộn nhịp, rời trang sách – mái trường đến đây để thực hiện lí tưởng chung: bảo vệ Tổ quốc. Họ cũng như những thanh niên trí thức khác, năng động, yêu đời, tài hoa và nhiều ước mơ, hoài bão.

Ba cô gái đều có nét nữ tính, đáng yêu, quan tâm tới hình thức bề ngoài của mình. Nho là cô gái nhỏ tuổi nhất, thích thêu thùa, thích ăn kẹo, trông “mát mẻ như que kem” mỗi khi ở dưới suối lên. Chị Thao lớn tuổi nhất, nhưng vẫn thích chép bài hát vào cuốn sổ nhỏ; thích tỉa đôi lông mày nhỏ như cái tăm; rất sợ máu và vắt, hễ nhìn thấy là “mặt chị tái mét”. Phương Định thích hát và hay “ôm gối” ngồi nhớ căn nhà nhỏ nơi góc phố Hà Nội.

Mặt khác, ba nữ thanh niên xung phong còn là những người giàu tình yêu thương, luôn quan tâm tới đồng đội của mình. Khi Nho bị thương, chị Thao thì lo lắng, cuống lên định báo về đơn vị; Phương Định cẩn thận bôi thuốc cho đồng đội. Khi Nho và Thao làm việc ở trên cao điểm, Phương Đinh luôn lo lắng, đứng ngồi không yên. Ba cô gái sống và cống hiến với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” lại có tâm hồn trong sáng, đáng yêu và giàu tình thương tới vậy.

Với tác phẩm này, Lê Minh Khuê đã khắc họa thành công hình ảnh những cô gái như “Những ngôi sao xa xôi” lấp lánh trên bầu trời những cánh rừng đại ngàn Trường Sơn. Vẻ đẹp bề ngoài và vẻ đẹp tâm hồn, lí tưởng sống của họ khiến chúng ta không khỏi khâm phục.

Hoài Lê

Check Also

7293 1494911290065 1020 310x165 - Phân tích nhân vật Phương Định trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi

Phân tích nhân vật Phương Định trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi

Phân tích nhân vật Phương Định trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi Truyền …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *