Đề bài: Cảm nhận của em về nhân vật Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao.
Bài làm
Cảm nhận về nhân vật Lão Hạc – Đọc văn Nam Cao mệt lắm! Mệt vì những mảnh đời uất nghẹn và mệt vì một xã hội tối tăm. Ẩn sâu trong những câu chuyện đời thường là niềm đau thương đến ám ảnh về số phận người nông dân trước Cách mạng. Trong đó, nhân vật Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao mang đến cho nền văn học Việt Nam một lão nông dân khốn cùng nhưng đâu đó khuất lấp những phẩm chất tốt đẹp.
Nam Cao được biết đến như một nhà văn hiện thực xuất sắc. Tuy cuộc đời ông gặp không ít sóng gió song với sức sáng tạo dồi dào, ông đã để lại cho đời những tác phẩm giàu giá trị nhất là truyện ngắn và tiểu thuyết.
Ttruyện ngắn “Lão Hạc” (1943) phản ánh hiện trạng xã hội Việt Nam trong giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám. Nhân vật chính tên “lão Hạc”, một lão nông tưởng chừng như bị cái đói làm cho tha hóa về nhân cách nhưng cuối cùng đã chọn lấy cái chết để lưu giữ lòng tự trọng. Thông qua hình tượng nhân vật, nhà văn đã lên tiếng tố cáo đanh thép chế độ xã hội nửa thực dân phong kiến áp bức, bóc lột người nông dân tới cùng cực và sự tha hóa của một lớp người trong xã hội.
Trước hết lão Hạc lão Hạc cũng có cuộc sống bình thường như bao người nông dân khác. Lão Hạc là một người “góa vợ”, con trai vì không đủ tiền lấy vợ nên phẫn uất bỏ đi làm đồn điền cao su. Gia tài của lão là một mảnh vườn nhỏ và một con chó. Lão quý nó và gọi là “Vàng”. Khi gia tài giá trị nhất của một người lại là con chó thì mới thấy người nông dân nghèo khó tới chừng nào.
Lão Hạc đại diện cho những người nông dân Việt Nam chất phác, hiền lành. Tình thương yêu con trai của lão Hạc dồn cả lên con Vàng. Lão quý con Vàng, coi nó là người bầu bạn bên lão suốt quãng thời gian dài đằng đẵng. Con trai đi biệt xứ, không biết đến ngày về, song lão vẫn dè xẻn từng chút, không dám ăn tiêu để gom đủ tiền chờ con trai về lão lấy vợ cho nó.
Cũng như những người nông dân, lão Hạc cũng chịu tai ương từ thiên nhiên và số kiếp. Mảnh vườn mưu sinh bị bão phá tan hoang. Lão không còn đường mưu sinh. Bệnh tật hành lên người lão. Số tiền dành dụm bao lâu nay “không cánh mà bay”. Lão Hạc rơi vào bước đường cùng. Lão Hạc phải “lừa” bán con “Vàng”. Đó là dấu hiệu của sự tha hóa nhân cách. Người đọc thấy trong mắt bao nhiêu đói rét, đau thương, tủi cực…
Trong cái cùng quẫn, Nam Cao bằng “đôi mắt” nhân đạo sâu sắc đã phát hiện ra những bản chất tốt đẹp luôn khuất lấp bên trong mỗi con người. Lão đau đớn khi mình “lừa” một con chó. Những trạng thái cảm xúc được Nam Cao miêu tả chân thật tới sắc lạnh. “Mặt lão đột nhiên co rúm lại, những nếp nhăn xô lại với nhau”. Lão “hu hu khóc”. Tiếng khóc ấy chất chứa bao nhiêu là oan trái! Nam Cao mượn lời ông giáo để tuyên ngôn chân lí nhân sinh của chính mình: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn là những cớ để cho ta tàn nhẫn, không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương, không bao giờ ta thương…”. Có lẽ lão Hạc đáng thương hơn đáng trách.
Lão Hạc là người có lòng tự trọng. Sự xấu hổ, dằn vặt khiến lão phải tìm con đường giải thoát tiêu cực nhất – cái chết. Lão kết thúc cuộc đời bằng một liều bả chó. Chao ôi! Số phận con người có khác gì con vật đâu? Cái chết đáng thương nhưng lại bảo toàn lòng tự trọng để không rơi vào con đường tha hóa như Binh Tư.
Tóm lại, trong truyện ngắn “Lão Hạc”, Nam Cao đã rất thành công khi xây dựng hình tượng nhân vật lão Hạc điển hình cho số phận và bản chất người nông dân xưa, từ đó tác giả ngợi ca họ và bóc trần hiện thực tha hóa trong xã hội trước Cách mạng. Người đọc càng nể phục hơn phong cách văn chương tài hoa và tấm lòng nhân đạo sâu sắc của tác giả.
Hoài Lê