Home / Văn mẫu / Văn mẫu lớp 11 / Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu

Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu

Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu.

Bài làm

Có một điểm chung của các nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp đó là ảnh hưởng từ lý tưởng của đảng đã khu biệt phong cách và nội dung văn chương thành hai phần trước và sau Cách mạng tháng Tám. Ghi lại thời khắc lịch sử giao thoa giữa hai mảng ấy, Tố Hữu viết lên bài thơ “Từ ấy” như một sự giải thoát trong tâm hồn và ngợi ca chân lý đúng đắn của Đảng.

Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, quê ở làng Phù Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tố Hữu hoạt động cách mạng rất sớm, tiêu biểu cho mẫu nhà văn – chiến sĩ, dùng ngòi bút của mình để “chở đạo” và “đâm mấy thằng gian” mà khi xưa Nguyễn Đình Chiểu quan niệm. Vì thế, con đường thơ ca Tố Hữu gắn liền với con đường cách mạng.

“Từ ấy” là một trong những bài thơ hay nhất của Tố Hữu, được sáng tác vào giai đoạn đầu khi tác giả tham gia vào hàng ngũ của Đảng. Bài thơ không chỉ là tiếng reo vui của người chiến sĩ tìm ra chân lý mà còn cho thấy tinh thần yêu nước, tự nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, cho nhân dân. Do dó, có thể coi bài thơ là lời “tuyên ngôn” quyết tâm đi theo Đảng và Bác Hồ.

Hai câu thơ đầu là tiếng reo vui và niềm xúc động thiêng liêng của người thanh niên yêu nước khi được giác ngộ lí tưởng cách mạng:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim”

“Từ ấy” là lúc nào? Là lúc nhà thơ được giác ngộ cách mạng và trở thành Đảng viên, cùng nhân dân quyết tâm đấu tranh tự giải phóng. Khoảnh khắc “bừng nắng hạ” như phút giây phút rực nắng hè chói chang sau “nghìn đêm thăm thẳm sương dày” mà chính nhà thơ đã nhắc tới trong bài thơ Việt Bắc mà sau này ông sáng tác. Trái tim lạnh giá, cô đơn, lạc lóng trước thời thế suy tàn, đô hộ trước đó:

“Lênh đênh đứng giữa hai dòng nước

Chọn một dòng hay để nước cuốn trôi”

Được sưởi ấm bằng một “mặt trời chân lí”. Người thanh niên trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Từ đây, Tố Hữu có thêm hướng đi mới, quyết tâm mới:

“Dù ai thay ngựa giữa dòng

Đời ta vẫn ngọn cờ hồng cứ đi

Vẫn là ta đó những khi

Đầu voi ra trận cứu nguy giống nòi”

Mặt trời “chân lí” không chỉ tác động tới lí trí mà còn tới tình cảm của nhà thơ:  

“Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim”

Hai câu thơ âm điệu bay bổng, đậm chất trữ tình. Bắt gặp lí tưởng, tìm thấy lẽ sống chân chính khiến nhà thơ như thấy mình đang đứng trước một vườn hoa đậm sắc, ngát hương, rộn rã tiếng chim hót. Những hình ảnh thơ cho thấy sự giải phóng hoàn toàn trong tâm hồn, sự tự do của muôn loài và sự tự do của chính tâm hồn tác giả.

phan tich bai tho tu ay cua to huu - Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu
Em hãy phân tích bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu

Khổ thơ thứ ba là hệ quả của sự giác ngộ chân lí:

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình trang trải khắp trăm nơi

Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.”

Khổ thơ như một lời tuyên bố về lẽ sống, một quyết tâm, một lời hứa thiêng liêng. Các từ “tôi buộc”, “trang trải”, “gần gũi”…  thể hiện thái độ tự nguyện hiến dâng cho cách mạng, tự nguyện gắn bó với quần chúng lao khổ. Nhà thơ muốn tình cảm của mình được phát tán đi, trở thành sợi dây liên kết chặt chẽ với những trái tim của lớp người cùng khổ để tạo nên một khối đoàn kết vững chắc mạnh.  

Khổ thơ thứ ba từ sự quyết tâm, ước muốn nay đã biến thành lẽ dĩ nhiên:

“Tôi đã là con của vạn nhà

Là em của vạn kiếp phôi pha

Là anh của vạn đầu em nhỏ

Không áo cơm cù bất cù bơ.”

 Cái tôi cá tính thường thấy trong thơ Tố Hữu không còn nữa thay thế cho cái tôi chung của quần chúng. Nhà thơ đang dần hòa mình vào nhân dân. Hơn thế, nhà thơ đã tìm thấy tình cảm gia đình ruột thịt trong chính quần chúng đó. Tuy gia đình ấy chỉ là những “kiếp phôi pha”, “không áo cơm”, “cù bất cù bơ” nhưng tác giả – một trí thức tiểu tư sản vẫn và đã tham gia vào đại gia đình ấy. Cái quay lưng của thế hệ trí thức với thế sự, thời cuộc đã xóa bỏ hoàn toàn, không băn khoăn, không ngần ngại. Điệp ngữ “là” cùng với các chỉ số lượng như con, em, anh và vạn đã khẳng định sự thật rằng tác giả đã thuộc về một khối hết sức đông đảo, không phân biệt già trẻ, nam nữ, bần hàn hay sang giàu.

Tóm lại, bài thơ “Từ ấy” với ý thơ lúc bay bổng, lúc lắng đọng, lúc là lời bộc bạch trực tiếp, chân thành đã thể hiện những ước vọng, tâm tư khi tìm thấy lí tưởng của Tố Hữu. “Từ ấy” như một tiếng hát yêu thương, tin tưởng của một thanh niên vừa giác ngộ lí tưởng cách mạng nhưng nó không chỉ của riêng nhà thơ, mà còn là của cả một thế hệ thanh niên khi tìm thấy lí tưởng của Đảng, nguyện chiến đấu hết mình vì nhân dân, vì đất nước.

“Từ ấy” là một trong những bài thơ góp phần tạo nên tên tuổi của Tố Hữu trong làng thơ cách mạng Việt Nam, định hướng cho toàn bộ những sáng tác của ông trong giai đoạn mới.

Hoài Lê

Check Also

7232 1494911290060 1017 310x165 - Cảm nhận về bức tranh phố huyện lúc chiều tà trong truyện ngắn Hai đứa trẻ

Cảm nhận về bức tranh phố huyện lúc chiều tà trong truyện ngắn Hai đứa trẻ

Cảm nhận về bức tranh phố huyện lúc chiều tà trong truyện ngắn Hai đứa …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *