Home / Văn mẫu / Văn mẫu lớp 8 / Thuyết minh về cái phích nước

Thuyết minh về cái phích nước

Đề bài: Em hãy thuyết minh về cái phích nước.

Bài làm

"Mình đồng da sắt

Dát bạc bên trong

Nhiệt huyết đầy lòng

Sục sôi trăm độ?"

(Là cái gì?)

Không cần phải suy nghĩ quá lâu, ta có thể đoán ngay ra là chiếc phích nước. Chiếc phích nước là một trong những vật dụng hỗ trợ rất nhiều trong cuộc sống con người.

Phích nước là một loại dụng cụ gia đình dùng để đựng nước sôi hoặc nước ấm. Nguồn gốc ban đầu của chiếc phích nước là chiếc thùng nhiệt lượng kế của Newton. Vì chiếc máy của Newton cồng kềnh, nhiều bộ phận, do đó nhà vật lý học Sir James Dewar đã cải tiến và phát minh ra chiếc phích nước. Loại bình mới được chế tạo có khả năng cách ly nhiệt tối đa giữa bộ phận bên trong và lớp vỏ bên ngoài. Sau đó, hai người thợ khắc thủy tinh người Đức phát hiện ra rằng nó có thể được sử dụng để giữ nhiệt độ cho đồ uống lạnh và đồ uống nóng. Vì thế, chiếc phích nước phổ biến thành đồ gia dụng như hiện nay.

Phích nước có cấu tạo gồm 2 phần: ruột và vỏ. Phần vỏ hình trụ, chiều cao tùy hình dạng và kích thước của phích. Thông thường, thân phích có chiều cao khoảng 50cm. Vỏ làm từ nhựa hoặc kim loại. Đi kèm với mỗi loại vỏ là các loại nắp. Có hai loại nắp là nắp nhựa có ren và nắp gỗ. Phần đầu phích có quai cầm và được trang trí hoa văn, tên thương hiệu. Phần đáy có thể gỡ ra lắp vào, bên trong có 1 lớp đệm nhỏ bằng cao su dùng để cố định ruột phích.

thuyet minh ve cai phich nuoc - Thuyết minh về cái phích nước
Em hãy thuyết minh về cái phích nước

Phần ruột phích thực chất là một bình 2 vỏ, được nối với nhau ở miệng. Ruột phích làm từ thủy tinh tráng bạc có khả năng bức xạ các tia nhiệt trở lại nước trong phích. Giữa 2 lớp thủy tinh là chân không giúp nhiệt không truyền được ra bên ngoài. Đáy ruột phích có chuôi hút chân không là nơi hút khí giữa 2 lớp ruột phích nhằm ngăn chặn sự truyền nhiệt giữa nước trong phích và môi trường bên ngoài. Vì vậy, trong vòng 6 tiếng đồng hồ, nước từ 100°C còn giữ được 70°C.

Vì phích nước là vật dụng dễ vỡ, nên mọi người phải bảo quản rất kĩ lưỡng. Khi sử dụng xong cần đậy nắp lại. Tránh va đập mạnh vào phích. Muốn phích giữ được nước nóng lâu hơn, không nên rót đầy, chừa một khoảng trống giữa nước sôi và nắp phích để cách nhiệt. Phích mới mua về cần tráng rửa sạch, tốt nhất nên rót nước có nhiệt độ từ 50-60℃ khoảng 30 phút sau đó mới đổ nước sôi để tránh vỡ phích. Ruột phích là phần quan trọng nhất nên khi mua phích cần lựa chọn thật kĩ. Nhìn từ trên miệng xuống đáy thấy có điểm màu sẫm ở chỗ van hút khí, điểm đó càng nhỏ thì van hút khí càng tốt, sẽ giữ được nhiệt độ lâu hơn. Áp miệng phích vào tai nghe có tiếng o o là phích tốt. Không nên sử dụng khi ruột phích bị nứt vỡ bởi không tốt cho sức khỏe và nước nguội rất nhanh. Nếu dùng lâu ruột phích bị cáu bẩn bám vào ta phải đổ vào ít giấm nóng, đậy chặt nắp lại lắc nhẹ rồi ngâm trong khoảng 30 phút, sau đó đổ ra và rửa sạch bằng nước. Hạn chế để phích ở các khu vực có nhiều trẻ em.

Hiện nay có rất nhiều loại, nhiều kiểu dáng, không chỉ để giữ nóng mà còn dùng cho việc giữ lạnh. Trên thị trường có rất nhiều loại phích nước, vô cùng phong phú về kích cỡ và đa dạng về chủng loại. Có loại to, loại nhỏ, loại cao, loại thấp… có đủ. Loại to nhất có thể chứa tới 2,5 lít nước. Các loại phích cũng được sản xuất phù hợp với công dụng cụ thể. Có loại phích dự trữ nước nóng, phích đựng nước trà, phích đựng canh, phích chuyên dùng thể thao…

Hình ảnh chiếc phích nước còn có vị trí không nhỏ trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam. Tuổi thơ những đứa trẻ nông thôn vẫn hay được ngồi bên bếp lửa đun siêu nước. Rồi đôi tay bà nội nhấc lên rót từ từ, khéo léo vào chiếc phích màu cam đỏ bóng nhựa. Hơi nước nóng phun ra từ miệng phích vừa thú vị vừa có gì đó linh thiêng. Mỗi khi có khách đến nhà, chiếc phích đầy nước nóng bà lại đem ra tráng ấm chén, pha chè…

Với những công dụng hữu ích mà chiếc phích mang lại, nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống ngày nay.

Hoài Lê

Check Also

37357343 9357296624x683 310x165 - Phân tích hình ảnh nhà cách mạng yêu nước qua bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” của Phan Bội Châu

Phân tích hình ảnh nhà cách mạng yêu nước qua bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” của Phan Bội Châu

Phân tích hình ảnh nhà cách mạng yêu nước qua bài thơ “Vào nhà ngục …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *