Đề bài: Em hãy thuyết minh về Hồ Gươm.
Bài làm
“Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân!”, câu thoại nổi tiếng trên là một trong những câu thoại mang tầm vóc lịch sử hàng ngàn năm, nhắc đến truyền thuyết vua Lê Lợi trả lại Gươm thần cho Rùa Vàng. Truyền thuyết đó gắn liền với địa danh Hồ Gươm (hay Hồ Hoàn Kiếm) của Việt Nam.
Hồ Gươm còn được gọi là Hồ Hoàn Kiếm. Trước kia, Hồ Gươm có các tên gọi là hồ Lục Thủy (vì nước có màu xanh quanh năm), hồ Thủy Quân (dùng để duyệt thủy binh)… Đến thế kỷ XV, hồ được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm, gắn liền với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm thần cho Rùa Vàng. Tên hồ được lấy để đặt cho một quận trung tâm của Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) và là hồ nước duy nhất của quận này cho đến ngày nay.

Hồ Gươm là một hồ nước ngọt tự nhiên, có diện tích khoảng 12 ha. Hồ Hoàn Kiếm có vị trí kết nối các phố khu phố cổ gồm Hàng Ngang, Hàng Đào, Cầu Gỗ, Lương Văn Can, Lò Sũ… với khu phố Tây do người Pháp quy hoạch cách đây hơn một thế kỷ là Nhà thờ lớn, Tràng Thi, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền, Hàng Khay, Bà Triệu…
Chính vì thế, Hồ Gươm được ví như “lẵng hoa giữa lòng thành phố” với không khí trong lành, không gian xanh, gió mát lành. Mặt hồ là soi bóng cành đa xanh, cành liễu thướt tha tóc rủ, những mái đền, chùa cổ kính, tháp cũ rêu phong… Hồ Gươm trở thành không gian văn hóa sinh hoạt chung của cả người dân trong nước, du khách thập phương và bạn bè khắp năm châu. Sáng sáng, người dân đi bộ quanh hồ khá đông, các ông bà lớn tuổi thư thái đi bộ, tập dưỡng sinh, các anh chị thanh niên chạy bộ, các cô trung tuổi hẹn hò nhau tập bài nhảy nhẹ nhàng… vẽ lên bức tranh Hồ Gươm nhộn nhịp, lành mạnh, đáng sống. Từ trẻ em tới người già, từ trai tới gái, từ da trắng tới da màu, bạn có thể bắt gặp họ vui chơi, hò hẹn suốt cả một ngày dài, đặc biệt là ngày cuối tuần. Về đêm, Hồ Gươm cũng lung linh đa sắc. Ánh đèn xanh đỏ khắp xung quanh Hồ tựa sợi dây kim tuyến khổng lồ khiến Hồ Gươm thêm nhộn nhịp và sầm uất.
Hồ Gươm gắn với huyền sử, như một biểu tượng của khát khao hòa bình, đó là trả gươm – cầm bút và đặc trưng đức trị của dân tộc (thanh kiếm thiêng chôn nơi đáy hồ và tháp bút viết lên trời xanh).
Do vậy, giới văn nghệ sĩ đã lấy hình ảnh Hồ Gươm làm cảm hứng bất tận cho các tác phẩm của mình. Hình ảnh Hồ Gươm đi vào văn học, thi ca, hội họa vô cùng ấn tượng. Đến Hồ Gươm một lần trong đời cũng đủ để tâm hồn âm vang mãi bài thơ:
“Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ,
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn.
Đài nghiên, tháp bút chưa mòn,
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?”
(Á Nam Trần Tuấn Khải)
Có nhiều bài hát về Hà Nội đậm tình người về Hồ Gươm như Người Hà Nội, Nghiên Bút Non Sông, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Gửi người em gái, Chiều Hồ Gươm… Nhiều bức ảnh giá trị nghệ thuật cao cũng xuất phát từ hình ảnh Hồ Hoàn Kiếm.
Hồ Gươm hiện nay là một trong những điểm tham quan du lịch hút khách nhất Việt Nam cùng với khu Phố Cổ và các di tích xung quanh như Tháp Bút, cầu Thê Húc, Tháp Rùa, Đài Nghiên, đền Bà Triệu, tháp Hòa Phong… Hiện nay, vào ngày cuối tuần, Chính quyền thành phố tiến hành cấm xe, mở “Phố đi bộ” giúp người dân và du khách có thể thoải mái vui chơi, giải trí. Nhiều trò chơi dân gian, chợ truyền thống kết hợp với các hoạt động tình nguyện đã trở thành một phần đặc trưng của Hồ Hoàn Kiếm. Đây vừa là cách quảng bá hình ảnh thiên nhiên, văn hóa lịch sử người Việt vừa tạo giá trị kinh tế đáng kể cho đất nước.
Tuy không phải là hồ lớn nhất trong Thủ đô, song hồ Hoàn Kiếm đã gắn liền với cuộc sống và tâm tư của nhiều người, nhất là người dân sống quanh hồ. Hồ Gươm đã trở thành biểu tượng văn hóa và lịch sử của Việt Nam, là niềm tự hào của mỗi con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Hoài Lê