Đề bài: Em hãy bình luận câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.
Bài làm
Đôi lúc tôi rất bất ngờ về kho tàng văn học dân gian của Việt Nam. Kho tàng ấy không chỉ vô phong phú, giàu ý nghĩa mà còn là những triết lí sống được thể hiện dưới hình thức ca dao, tục ngữ, thành ngữ, châm ngôn… vô cùng sinh động. Câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” là một bài học quý giá về cách sống ở đời.
Câu tục ngữ sử dụng những hình ảnh rất quen thuộc, gần gũi với lối ẩn dụ rất đắt. “Mực” và “đèn” là hai vật dụng quen thuộc với mỗi con người, đặc biệt là học sinh. Khi dùng bút mực, việc tay hay quần áo bị dính mực rất khó tránh khỏi. Còn khi ngồi học bài, làm việc, sinh hoạt vào buổi tối, chúng ta thường có xu hướng gần ánh đèn bởi càng ở gần đèn thì càng nhiều ánh sáng. Ở đây, “mực” đi đôi với từ “đen” biểu tượng cho cái xấu, cái tiêu cực. Thực thể “đèn” đi đôi với từ “sáng” thể hiện bản chất lành mạnh, tốt đẹp. Trong cuộc sống, khi bạn ở “gần mực”, tức là tiếp xúc với những môi trường xấu thường xuyên sẽ rất dễ bị ảnh hưởng bởi những thứ không tốt. Ngược lại, nếu bạn tiếp xúc nhiều với cái tích cực tất yếu bạn sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Nói ngắn gọn hơn, nếu sống trong môi trường tốt sẽ dần dần thành người tốt và rất dễ trở nên xấu xa nếu bạn sống trong môi trường xấu.
Soi chiếu vào đời sống thực tế, điều này thể hiện rất rõ ràng. Theo nhiều công trình nghiên cứu đáng tin cậy, những đứa bé trưởng thành trong gia đình có ông bố gia trưởng, bạo lực thường có xu hướng sử dụng bạo lực với chính người thân trong gia đình trong tương lai. Lí do rất đơn giản, ở trong gia đình, cha mẹ chính là tấm gương lớn nhất để cho đứa trẻ bắt chước. Nếu cha mẹ là tấm gương sáng sẽ có những đứa con ngoan, nếu cha mẹ méo mó trong nhân cách, đứa trẻ đó sẽ lớn lên và trở thành bản sao của cha mẹ chúng.

Có câu “Chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà ở” cũng mang ý nghĩa tương tự như câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” vậy. Trong một lớp học, nếu bạn chơi với những học sinh chăm ngoan, siêng năng bạn sẽ học hỏi được nhiều thứ từ họ và tiến bộ rất nhanh. Bởi khi chơi với những người giỏi hơn mình, chắc chắn bạn sẽ học hỏi được nhiều phương pháp học tập tốt, có động lực cố gắng.
Có quan niệm thế này “gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng”. Trong nhiều trường hợp nhiều người vẫn giữ được bản chất trong sáng khi sống giữa những thứ xấu xa và có khi lại trở nên xấu xa ngay cả khi sống trong một cộng đồng tốt. Điều đó đúng với những con người sống có chính kiến không chịu phụ thuộc bởi môi trường sống hoặc thiếu lí tưởng sống nên vẫn rơi vào cái xấu xa. Quan niệm trên không phủ định mà lại có tác dụng bổ sung, hoàn thiện ý nghĩa của câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”.
Ngày nay, trong xu thế đất đi theo hướng hiện đại hóa, toàn cầu hóa càng đòi hỏi con người phải giữ vững bản chất tốt đẹp của mình. Sự mở cửa kinh tế kéo theo mở cửa về văn hóa, xã hội… Nếu không có lí tưởng sống vững vàng, con người sẽ dễ dàng bị tha hóa, biến chất do sự du nhập của văn hóa xấu từ các quốc gia khác.
Câu tục ngữ không chỉ là lời nhắc nhở với bản thân mỗi người mà còn là lời nhắc nhở các bậc phụ huynh, nhà trường và chính quyền. Trẻ em là người kiến tạo đất nước trong tương lai, trẻ em là nhân tố quyết định tới sự suy vong hoặc thịnh vượng của mỗi một quốc gia. Đo đó, phụ huynh, nhà trường và chính quyền phải phối hợp ăn ý từ đó tạo ra môi trường tốt nhát để các em được sống, học tập và phát triển lành mạnh, tích cực, toàn diện cả về năng lực và nhân cách.
Tóm lại, câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” khẳng định triết lí môi trường sống ảnh hưởng rất lớn tới việc hình thành nên nhân cách mỗi con người.
Hoài Lê