Đề bài: Em hãy bình luận câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”.
Bài làm
Con người ai cũng có một nơi để được sinh ra, lớn lên và phát triển cả thể chất lẫn tinh thần. Nơi đó ta gọi là quê hương. Sống trong xã hội, con người không được phép quên đi quê hương, gốc gác của mình. Lời răn đó được ông cha xưa đúc kết trong câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”.
Câu tục ngữ đã bắt đầu bằng một hình ảnh rất cụ thể và quen thuộc là “uống nước”. Uống nước là hoạt động sinh hoạt thường ngày của con người. Tuy bình thường nhưng đây lại là hoạt động vô cùng quan trọng. Bởi nước cần thiết cho duy trì sự sống và phát triển của con người. Thiếu nước, con người không thể sống quá 3 ngày. Tuy rằng hầu như các loại nước đều cấu tạo cơ bản từ nguyên tố H2O song mỗi một vùng địa phương thành phần nước uống không giống nhau. Con người chỉ có thể uống nước ngọt, độ tinh khiết cao, không quá nhiều tạp chất, vi trùng vi khuẩn. Những yếu tố này có lưu lượng khác nhau ở các khu vực khác nhau. Vì thế, nguồn nước uống ở nơi sinh sống của mỗi người là không giống nhau.
Còn “nhớ nguồn” tức là ghi nhớ nguồn nước mà bạn vẫn thường uống mỗi ngày. Như đã nói mỗi một vùng quê sẽ có “vị” nước khác nhau cũng như mỗi người có được nuôi sống bằng “vị” nước riêng của quê hương mình. Do đó, câu tục ngữ có nghĩa là khi uống nước hãy nhớ cội nguồn của loại nước đó, cũng là ghi nhớ quê hương đã cho ta dòng nước ngọt ngào để có thể tồn tại và phát triển.
Hiểu sâu xa hơn, ở đây “nước” sẽ tượng trưng cho thành quả, sản phẩm của lao động và “nguồn” là iểu tượng cho người đã làm ra thành quả đó. Như vậy, câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” nhắc nhở con người khi hưởng thụ bất kì một giá trị hay lợi ích nào đó phải biết nhớ ơn những con người đã tạo ra nó.

Để có được cuộc sống tốt đẹp ngày hôm nay, thế hệ trước đã rất vất vả. Ngay như việc uống nước trong thực tế. Trước kia, vốn không có hệ thống xử lí nước sach như hiện giờ, người Việt cổ phải mất rất nhiều công sức tìm nguồn nước sạch rồi đào dòng chảy dẫn nước về vùng dân cư sinh sống. Những dòng kênh đó là tiền đề để ngày nay con người thiết kế ra các thiết bị khai thác và tinh lọc nước sạch phức tạp. Hay những vị anh hùng như Phan Đình Giót, Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu, Bế Văn Đàn… đã bỏ lại tuổi xuân và tính mạng nơi chiến trường để hôm nay chúng ta được sống trong hòa bình, no ấm.
Vậy làm thế nào để thực hiện đúng tinh thần của câu tục ngữ trên. Biểu hiện đơn giản nhất và bao quát nhất, đó là thể hiện tình yêu quê hương, yêu gia đình, bạn bè, thầy cô thông qua những hành động rất cụ thể. Đó chỉ là việc chào hỏi ông bà mỗi khi đi học về, mời ba mẹ trước khi ăn cơm, biết khen mẹ nấu ăn ngon, khen ba sửa mái hiên giỏi…. Đó là cho bạn cùng bàn mượn cây bút giống như những lần bạn cho mình mượn khi mình quên mang bút đi học hay cảm ơn cô giáo mỗi dịp ngày Hiến chương Nhà giáo đến…
Là một học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, có lẽ cách tốt nhất để thể hiện tinh thần “nhớ nguồn” là phải học tập thật tốt. Từ đó, tương lai chúng ta sẽ trở thành những con người có ích cho xã hội, chung tay tạo nên một xã hội văn minh, bền vững và đoàn kết một lòng.
Phải thừa nhận rằng biết “uống nước nhớ nguồn” là thể hiện bản chất nhân văn, nhân nghĩa cũng là chuẩn mực đạo đức cơ bản của con người. Thử hình dung xem, một xã hội con người sống không có trước có sau, coi thường người khác, không coi trọng người làm ra của cải vật chất hay làm ra các giá trị tinh thần… thì sớm muộn xã hội đó sẽ trở nên lạnh lùng, vô cảm rồi đi tới diệt vong
Tóm lại, những câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”… đều có chung bài học về làm người trong cuộc sống.
Hoài Lê