Home / Văn mẫu / Văn mẫu lớp 12 / Cảm nhận 9 câu đầu bài thơ Đất Nước

Cảm nhận 9 câu đầu bài thơ Đất Nước

Đề bài: Cảm nhận của em về 9 câu đầu bài thơ “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm.

Bài làm

Cảm nhận 9 câu đầu bài thơ Đất Nước – “Mặt đường khát vọng” của nguyễn Khoa Điềm là bản trường ca được sáng tác vào mùa đông năm 1971, tại chiến trường Trị Thiên. Đây là tác phẩm tiêu biểu đánh dấu sự phát triển trong sự nghiệp thơ ca chống Mỹ của Nguyễn Khoa Điềm. Trích đoạn “Đất Nước” thuộc chương V của bàn trường ca này và cũng là đoạn thơ thể hiện được tình yêu tha thiết, lòng tự hào dân tộc. Chín câu thơ đầu bài thơ như một cách định nghĩa riêng của Nguyễn Khoa Điềm về “Đất Nước”. Đó là một “Đất Nước” thân thuộc, gần gũi, gắn bó của tuổi thơ mỗi người:

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó…”

Đọc đoạn trích, ta thấy nổi bật lên là cách định nghĩa rất riêng của Nguyễn Khoa Điềm về “Đất Nước” đó là điều được cấu thành từ hai nhân tố chính là “đất” và “nước”, song đất và nước không chỉ là nguyên tố hữu hiện trong tự nhiên mà còn là nhân tố vô hình trong tâm hồn con người. Chín câu thơ mang chất dân gian, hồn dân tộc thấm nhuần nên vùa gần gũi mà vừa bền vững, sâu xa.

Tác giả bắt đầu bằng cách sừ dụng điệp ngữ “Đất Nước” ở đầu mỗi dòng thơ để nhấn mạnh chủ đề tác phẩm:

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”

Câu thơ mở đầu tự nhiên, sâu lắng dẫn dắt con người vào thế giới của tuổi thơ ngọt ngào, dung dị. Ở thế giới tuổi thơ ấy, ta bắt gặp “Đất Nước”. Cả một thế giới cổ tích, truyền thuyết xa xưa ùa về, sống dậy trong từng con chữ.

Lịch sử của “Đất Nước” đã có trước khi có con người. Ta bắt đầu được nghe tới đất nước từ những câu chuyện cổ tích, câu chuyện dân gian mà cha mẹ, ông bà hay kể. Rồi trong miếng trầu cay cũng có đất nước. Thuở bé, ai chẳng từng nghe tới câu chuyện về sự tích cây trầu, cây cau hóa thân của tình yêu vợ chồng. Rồi còn chuyện về Thánh Gióng nhổ bụi tre bên đường đánh tan quân sâm lược. Những hình ảnh ấy quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Hóa ra, Đất Nước chính là lời ăn tiếng nói của nhân dân.

Đất nước hiện lên trong hình ảnh người mẹ tần tảo sớm hôm ngồi búi tóc bên cửa sổ:

“Tóc mẹ thì bới sau đầu”

Hình ảnh mẹ dậy từ sớm, nhẹ nhàng búi tóc, vén màn bắt đầu công việc sao mà thân thương đến thế. Người mẹ trong tác phẩm cũng chính là hình ảnh người mẹ Việt Nam anh hùng.

cam nhan 9 cau dau bai tho dat nuoc - Cảm nhận 9 câu đầu bài thơ Đất Nước

Cảm nhận 9 câu đầu bài thơ Đất Nước

Hình ảnh đất nước có trong tình yêu của cha và mẹ:

“Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay, muối mặn”.

Câu thơ có lẽ được tác giả lấy cảm hứng từ câu ca dao xưa:

“Bên nhau chua ngọt đã từng

Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau”

Tình nghĩa vợ chồng “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” xưa đáng quý biết mấy. Người vợ người chồng bên nhau, sẻ chia nỗi vất vả, nhọc nhằn trong cuộc sống, cùng nhau trải qua những tháng ngày cơ cực nhưng luôn nồng nàn như vị cay nồng của gừng, mặn mà như vị của muối. Muối muôn đời vẫn mặt, gừng muôn đời vẫn cay. Tình cảm của mẹ cha cũng muôn đời thắm nồng như thế.

Đất nước hiện hữu trong mỗi nếp nhà tranh:

“Cái kèo, cái cột thành tên”

Trước kia, các làng quê thường có phong tục đặt tên con là những vật quen thuộc, mộc mạc cho dễ nuôi. Câu thơ nói đến phong tục này. Hơn nữa, hình ảnh những “cái kèo”, “cái cột” cũng rất quen thuộc với mỗi người.

Đất nước còn biểu hiện trong cả lao động sản xuất:

“Hạt gạo phải một nắng hai sương, xay, giã, giần, sàng”

Nước Việt Nam vốn đi lên từ nền nông nghiệp lúa nước, vì thế cây lúa, hạt thóc, hạt gạo rất quen thuộc. Dưới tay ngườibà người mẹ, hạt gạo thơm sữa có được nhờ những ngày vất vả làm lụng, “dãi nắng dầm sương”. Sau khi thu hoạch còn phải trải qua các công đoạn phơi, sàng, xay xát… mới tạo nên thành phẩm cuối cùng.

Câu thơ cuối đoạn là sự tổng kết của Nguyễn Khoa Điềm:

“Đất Nước có từ ngày đó…”

Phải, đất nước có từ ngày ấy, ngày mà bắt đầu những phong tục không có tuổi, ngày mở đầu cho lịch sử – văn hóa thiêng liêng, biết bao thế hệ tiếp nối cho tới nay. Người đọc không còn thấy đất nước như một hình tượng khổng lồ, xa vời hay là khái niệm trừu tượng mà là những gì giản dị, thân thiết nhất trong cuộc sống con người.

Tóm lại, bài thơ “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm rất thành công trong việc sử dụng từ ngữ đậm chất ca dao, dân ca; hình ảnh gần gũi, quen thuộc với đời sống con người kết hợp thể thơ tự do tạo nên giọng điệu như tâm tình, giãi bày, chia sẻ, nhắn nhủ. Nhà thơ đang kể những câu chyện dài về đất nước, từ thuở sơ khai tới những ngày xây dựng hùng mạnh. Xem xét “Đất Nước” ở nhiều góc độ khác nhau, vì thế bài thơ đã nâng tầm “đất nước” thông thường thành một hình tượng lớn lao là “Đất Nước”. Đất nước như mang trong nó cả sự sống và tâm tư con người ngàn đời nay. Để viết lên những câu thơ như thế, Nguyễn Khoa Điềm phải yêu đất nước tới nhường nào?

Hoài Lê

Check Also

nu sinhg do guc hinh 3 310x165 - Nghị luận xã hội về cách ứng xử văn hóa trong giao thông hiện nay (lớp 12)

Nghị luận xã hội về cách ứng xử văn hóa trong giao thông hiện nay (lớp 12)

Nghị luận xã hội về cách ứng xử văn hóa trong giao thông hiện nay …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *