Home / Văn mẫu / Văn mẫu lớp 12 / Cảm nhận về bài thơ Đất nước

Cảm nhận về bài thơ Đất nước

Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm.

Bài làm

Cảm nhận về bài thơ Đất Nước – Trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm được sáng tác vào mùa đông năm 1971, tại chiến trường Trị Thiên, là đóng góp tiêu biểu nhất của Nguyễn Khoa Điềm trong sự phát triển của thơ ca chống Mỹ. Trích đoạn “Đất Nước” nằm gần trọn trong chương V của bản trường ca, và cũng là trích đoạn mà tôi ấn tượng nhất. Bởi, Nguyễn Khoa Điềm không chỉ đưa ra những cách định nghĩa rất riêng, mới mẻ của nhà thơ về “Đất Nước” mà còn chất chứa niềm yêu nước, lòng tự hào dân tộc thiết tha của tác giả.

Đoạn trích “Đất Nước” là những cách cảm nhận rất khác nhau về đất nước Việt Nam, bằng nhiều góc độ, trong lịch sử, văn hóa, phong tục, thiên nhiên, con người…

Trước hết, Nguyễn Khoa Điềm nhìn nhận đất nước thông qua đời sống thường ngày, từ những gì gần gũi, thân thương nhất:

“Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể…”

Thuở thơ ấu, mẹ vẫn hay kể ta nghe những câu chuyện cổ tích “ngày xửa ngày xưa” có Âu Cơ và Lạc Long Quân; có 18 đời Vua Hùng dựng nước; có Thánh Gióng nhổ bụi tre làng đánh tan quân xâm lược… Đất nước phải chăng có trong chính những câu chuyện ấy.

Đất Nước còn hiện hữu trong từng hoạt động sinh hoạt nhỏ nhất là khi mẹ “bới” tóc, là tình nghĩa mặn nồng của cha mẹ, là hạt gạo ta ăn, cây lúa ta trồng và trong những lần cắp sách tới trường.

Tác giả tiếp tục cảm nhận đất nước ở góc độ thời gian và không gian:

“Thời gian đằng đẵng

Không gian mênh mông”

Trong chiều dài thời gian và chiều rộng của không gian, đất nước hiện hữu thế nào? Đó chính là “nơi dân mình đoàn tụ”. Lịch sử ghi nhận nước Việt Nam đã từng đau thương vị đô hộ và đau thương vì chia cắt làm hai, nhưng một dân tộc đoàn kết như Việt Nam cuối cùng vẫn tìm về bên nhau trong chiến thắng hào hùng. Ấy chính là truyền thống nghĩa tình, đoàn kết và hi sinh mà Nguyễn Khoa Điềm đang muốn nói tới:

“Khi có giặc người con trai ra trận

Người con gái trở về nuôi cái cùng con

Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh

Nhiều người đã trở thành anh hùng

Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ”

Nguyễn Khoa Điềm trong những đoạn thơ tiếp theo lại có cảm nhận đất nước rất thú vị, đó là đất nước ghi dấu trên thiên nhiên tên những con người làm ra lịch sử:

“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương

Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm

Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên

Con cóc, con gà quê hương góp cho Hạ Long thành thắng cảnh

Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm…”

Những cái tên được nhắc trên đây đều có thực trong lịch sử và quen thuộc với mỗi chúng ta. Kì diệu thay, thiên nhiên mang hình hài ấy, con người đã gán tên đất nước nên tạo vật và nhắc đến mãi muôn đời. Đoạn thơ giống hơn lời kể, lời thủ thỉ tâm tình mà tác giả muốn trao gửi tới bạn đọc. Cách nói tuy bình dị nhưng có âm vang rất lớn.

cam nhan ve bai tho dat nuoc - Cảm nhận về bài thơ Đất nước

Cảm nhận về bài thơ Đất Nước

Đất Nước có vai trò đặc biệt sâu sắc với mỗi người, thế nên Nguyễn Khoa Điềm muốn nhắc nhở chân thành:

“Những ai đã khuất

Những ai bây giờ

Yêu nhau và sinh con đẻ cái

Gánh vác phần người đi trước để lại

Dặn dò con cháu chuyện mai sau

Hằng năm ăn đâu làm đâu

Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”

Chúng ta sinh ra trong một đất nước tươi đẹp, có truyền thống văn hóa lâu đời, có lòng yêu nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm… vì thế hãy giữ gìn và phát huy truyền thống ấy. Phải chăng đó là lời mà Nguyễn Khoa Điềm muốn nói?

Trong phần kết, nhà thơ suy tư về tương lai bằng niềm tin yêu, lạc quan. Nhà thơ đặt niềm tin vào thế hệ tương lai đất nước, về ngày đất nước sẽ vươn lên những tầm cao mới:

“Mai này con ta lớn lên

Con sẽ mang Đất Nước đi xa

Đến những tháng ngày mơ mộng”

Và một lần nữa, Nguyễn Khoa Điềm lại nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm đối với đất nước:

“Em ơi Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó và san sẻ

Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời”.

Những từ “phải biết” lặp lại như một sự nhấn mạnh tuyệt đối của tác giả cho người “em”, là thế hệ trẻ chúng ta, phải biết cống hiến, hi sinh sức mình cho đất nước.

Nhìn lại cả bài thơ, có lẽ nhà thơ đã chọn lối đi riêng không giống với cách định nghĩa về đất nước của các nhà lịch sử, địa lí. Nguyễn Khoa Điềm đã tách đất nước thành hai thành tố “Đất” và “Nước” rồi cuối cùng xây dựng lên cái tên chung, hình dáng chung. Viết hoa hai từ “Đất Nước”, tác giả vừa bàu tỏ sự trân trọng vừa là niềm tự hào của chính Nguyễn Khoa Điềm về quê hương mình. Bài thơ với câu từ mộc mạc, chân thật và giọng thơ giàu chất kể tạo nên vẻ đẹp thân thương, sâu lắng. Qua đó, người đọc thấy được tài năng và tấm lòng của Nguyễn Khoa Điềm.

Bài thơ “Đất Nước” là khúc ca hùng tráng về đất nước Việt Nam của Nguyễn Khoa Điềm. Việt Nam đâu chỉ hào hùng, bi tráng khi đặt trong cảnh chiến đấu chống ngoại xâm, Việt Nam vĩ đại ngay trong những điều giản dị nhất.

Hoài Lê

Check Also

7232 1494911290060 1017 310x165 - Nghị luận xã hội về cách ứng xử văn hóa trong giao thông hiện nay (lớp 12)

Nghị luận xã hội về cách ứng xử văn hóa trong giao thông hiện nay (lớp 12)

Nghị luận xã hội về cách ứng xử văn hóa trong giao thông hiện nay …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *