Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ “Chiều tối” của Hồ Chí Minh.
Bài làm
Cảm nhận của em về bài thơ Chiều Tối – Sau khi bị bắt ở Túc Vinh, Hồ Chí Minh bị giải đến nhà giam ở huyện Tĩnh Tây, bị giam cầm, hành hạ khốn khổ mà không được đưa ra xét xử bất kì lần nào. Sau đó, đúng vào ngày “Song Thập” – ngày Quốc khánh nước Trung Hoa Quốc Dân Đảng, Hồ Chí Minh bị giải đi nhà lao Thiên Bảo. Trong chặng đường ấy, Hồ Chí Minh đã viết lên bài thơ “Chiều tối” (“Mộ”) để giãi bày tâm sự. Bài thơ mang trong mình cả hai nguồn cảm hứng lớn lao đó là cảm hứng nhân đạo và cảm hứng yêu nước.
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không.
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.”
“Mộ” tức là buổi chiều sắp tàn, việc dịch thành “chiều tối” dường như không xác đáng cho lắm. Bài thơ “Chiều tối” viết bằng chữ Hán, giàu chất Đông phương. Bài thơ thể hiện bức tranh thiên nhiên mà tác giả mục kiến trên đường đồng thời là tiếng nói tố cáo chế độ nhà tù thuộc địa khắc nghiệt, tàn ác của chính quyền Tưởng Giới Thạch và tình yêu đất nước, thương nhân dân của tác giả.
Tuy đang trên đường bị giải tới nhà tù nhưng tác giả vẫn nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên bằng ánh mắt trìu mến:
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không.”
(“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không.”)
Cánh chim là hình ảnh quen thuộc trong thơ ca, thường mang yếu tố cổ điển, gợi nên nỗi buồn tịch. Đó là “Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa” trong bài thơ “Tràng Giang” của Huy Cận hay hình ảnh “Chim bay về núi tối rồi” trong ca dao dân ca. Điểm khác biệt trong “Mộ” chính là cảm xúc của cánh chim. Cánh chim được Bác nhân hóa nên cũng biết “mỏi”. Suốt cả ngày dài kiếm mồi, cánh chim cũng mỏi mệt rã rời như cuộc hành trình gian lao của Bác trên đường áp giải về Tĩnh Tây. Mặt khác, cánh chim còn đang trong trạng thái “tìm chốn ngủ”. Với loài chim, rùng chính là nhà, là tổ ấm. Thế mà nó phải tìm “rừng” ngay khi đang ở trên rừng, cũng như chính tác giả, tác giả đang lạc lõng ngay cả khi đang bước chân trên chính quê hương mình.
Cảm nhận của em về bài thơ Chiều Tối
Không gian rừng núi được chấm phá thêm bằng hình ảnh “cô vân”. Cách dịch “chòm mây” chưa bám sát nghĩa. “Chòm mây” là nhắc tới một đám mây nhỏ, tròn, lơ lửng. Còn “cô vân” với từ “cô” gợi nên cảm giác cô độc, lẻ loi nhiều hơn. Từ “thiên không” thể hiện không gian đa chiều, vừa mở ra chiều sâu, vừa như rộng lớn lắm, ánh nhìn tác giả cứ chạy mãi về phía chân trời. Cả một không gian rộng lớn như thế, chỉ có mình một tròm mây cô độc. Chính tâm trạng cô đơn, lạc lõng trong lòng nhà thơ đã lây lan sang cả cánh chim và mây trời. Và ta cũng nhận ra được tấm lòng nhân đạo sâu sắc của Bác khi thân tù đày mà phẫn dành sự xót thương cho cả cánh chim, chòm mây.
Thơ Hồ Chí Minh có một nét phong cách khá nổi bật, đó là luôn lấp lánh niềm tin vào lí tưởng đúng đắn của cách mạng vô sản. Bài thơ “Chiều tối” cũng có yếu tố này, nằm trong hai câu thơ cuối:
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.”
(“Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng.”)
Nếu như hình ảnh rừng núi, cánh chim và mây trời mở ra không gian chiều muộn hoang sơ, hiu hắt, cô tịch thì hình ảnh cô sơn nữ xay ngô tối trong hai câu thơ này mang lại vẻ tươi sáng, gần gũi, thân thuộc cho bài thơ.
Thời gian là buổi tối, không gian là xóm núi, nhân vật là cô sơn nữ và hành động là xay ngô. Người đọc có thể hình dung ra một buổi tối ở vùng bản có lấp ló bóng hồng người con gái dân tộc tần tảo, chịu thương chịu khó đang đều tay lao động sản xuất lương thực phục vụ cuộc sống và phục vụ cách mạng.
Cụm từ “ma bao túc” lặp lại hai lần ở cuối câu thơ trên và đầu câu thơ cuối tạo nên một chuỗi liên kết, một vòng tuần hoàn liên tục không có điểm kết. Dấu phẩy ở câu thơ cuối như một quãng lặng người ngạc nhiên. Cô gái cứ mải miết làm lụng mà quên mất trời đã vào nửa đêm. Hình ảnh lò than rực màu hồng là điểm sáng của cả bài thơ. Ánh hồng của than không phải là ngọn lửa hừng hực cháy mà là sự nóng bỏng âm ỉ bên trong thanh củi, thanh than. Bác có ý chỉ về cuộc cách mạng dân tộc. Ánh sáng hồng là ánh sáng của Đảng, của cách mạng vô sản, là chân lí thời đại. Tình yêu nước và hoạt động cách mạng vẫn đang sục sôi âm ỷ, đến một lúc nào đó, thi đã hội tụ đủ sức mạnh, nó sẽ bùng lên thành khối vĩ đại mà không một thế lực nào có thể cản phá.
Tóm lại, bài thơ “Chiều tối” với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật; ngôn ngữ cô đọng, xúc tích; hình ảnh vừa cổ điển vừa hiện đại đã thể hiện thành công bức tranh thiên nhiên và tâm trạng sâu sắc của Hồ Chí Minh. Đó không chỉ là tình yêu thiên nhiên mà còn là tình yêu đất nước và tâm hồn lạc quan của tác giả.
Trong cảnh tù đày, Người vẫn cho thấy tinh thần thép của bậc “Đại nhân- Đại trí- Đại dũng”. Ta thêm khâm phục tâm hồn và ý chí của người biết bao nhiêu!
Hoài Lê