Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh
Bài làm
Hồ Chí Minh không chỉ được biết đến là một nhà cách mạng lỗi lạc mà còn là một nhà thơ, nhà văn tài hoa. Hồ Chí Minh là một trong số ít những nghệ sĩ đã hòa quyện cả hai nguồn cảm hứng lớn lao đó là cảm hứng nhân đạo và cảm hứng yêu nước vào cùng trong một tác phẩm. Bài thơ “Chiều tối” là tác phẩm tiêu biểu cho điều đó.
Phiên âm:
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không.
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.”
Dịch thơ:
“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không.
Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng.”
Bài thơ “Chiều tối” nằm trong tập thơ “Nhật ký trong tù” viết bằng chữ Hán của Hồ Chí Minh. Bài thơ kể về quãng đường Hồ Chí Minh bị áp giải tới giải lui giữa các nhà tù thực dân, qua đó tố cáo chế độ nhà tù thuộc địa khắc nghiệt, tàn ác của chính quyền Tưởng Giới Thạch và bộc lộ lòng yêu nước, thương dân của tác giả.
Hai câu thơ đầu là bức tranh thiên nhiên rừng núi đại ngàn:
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không.”
(“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không.”)
Cánh chim là hình ảnh quen thuộc trong thơ ca, thường mang yếu tố gợi nỗi buồn tịch.
“Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa”
(“Tràng Giang” – Huy Cận)
“Chim bay về núi tối rồi”
(Ca dao)
Cánh chim trong thơ Hồ Chí Minh cũng đang rơi vào trạng thái “mỏi”. Cánh chim đang trĩu nặng những lo toan, gánh vác và sự vất vả của cuộc sống mưu sinh. Sau một ngày dài kiếm ăn mỏi mệt, những cánh chim chiều trở về tổ nghỉ ngơi để ngày mai tiếp tục chuyến hành trình mới. Thế nhưng, cánh chim lại đang “tìm”. Lẽ thường rừng vốn là tổ, tại sao về rừng rồi còn phải tìm tổ? Cánh chim ấy cũng giống nhà thơ. Mỗi ngày đeo gông cùm đi một chặng đường dài, nghỉ tạm đâu đó rồi lại tiếp tục bị giải về nhà lao. Thế nên, nhà thơ cũng đang lạc lõng trên chính mảnh đất Tổ quốc của mình. Sống trong một đất nước không có chủ quyền, không có tự do, thử hỏi làm sao con người lại không lạc lõng cho được.
Hồ Chí Minh tiếp tục đặc tả không gian rừng núi bằng hình ảnh “cô vân”. Cách dịch “chòm mây” có lẽ chưa đủ diễn tả hết trạng thái sự vật. Mây không chỉ đang ở số lượng ít ỏi là một “chòm” mà nó còn mang trong mình tâm trạng cô độc. Từ “tầng không” thể hiện không gian sâu ngút ngàn, rộng thênh thang. Cũng như cánh chim, chòm mây cũng đang cô đơn, lạc lõng giữa không gian như kéo dài vô tận. Đúng là:
“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”
(“Truyện Kiều” – Nguyễn Du)
Tâm trạng cô độc, lạc lõng của tác giả khiến lây lan sang cả khung cảnh xung quanh, sang cả cánh chim và mây trời.
Hai câu thơ sau tác giả tác giả khắc họa hình ảnh con người gắn với lao động:
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.”
(“Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng.”)
Hình ảnh cô sơn nữ xay ngô tối tạo vẻ tươi sáng cho bài thơ. Trong thời gian là buổi tối và không gian xóm núi xa xa, hình ảnh người con gái tần tảo, chịu thương chịu khó hiện lên thật đẹp. Hình ảnh “ma bao túc” lặp đi lặp lại trong hai câu thơ thể hiện sự liên tục, đều đặn như một vòng tuần hoàn. Người con gái cứ hăng say lao động sản xuất, góp sức mình vào cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc mà quên đi thời gian, mà không nhận ra đêm đã quá nửa.
Nhãn tự của bài thơ nằm trọn trong từ “hồng”. Hồng là ánh sáng của lửa, gợi lên sự ấm nóng. Than hồng tuy không sáng rựa ánh lửa nhưng lại âm ỉ sức nóng bên trong. Như vậy, ánh sáng hồng là ánh sáng của nhiệt huyết, tựa như trái tim ấm nóng vẫn đang âm ỉ, sục sôi trong góc khuất nào đó. Đến một thời điểm nhất định, ánh sáng sẽ rực cháy thành lửa lớn. Ánh sáng hồng còn là ánh sáng của Đảng, của con đường cứu nước cách mạng vô sản đúng đắn, là chân lí thời đại mà Bác luôn tin tưởng. Nó như một niềm tin bất diệt vào tương lai không xa Tổ quốc sẽ độc lập, thống nhất về một mối. Hình ảnh thơ có sự biến chuyển biến rõ rệt từ bóng tối ra ánh sáng, từ mỏi mệt tới tin yêu. Tâm trạng ấy xuyên suốt trong hầu hết các tác phẩm của Người:
“Hết mưa là nắng bừng lên thôi
Hết khổ là vui vốn lẽ đời…”
“Ví không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân”
Tóm lại, bài thơ “Chiều tối” được Hồ Chí Minh viết dưới dạng thơ thất ngôn tứ tuyệt, ngôn ngữ rất linh hoạt, chuẩn xác, giàu sức biểu đạt. Sự kết hợp giũa chất cổ điển và hiện đại tạo nên nét rất riêng cho bài thơ. Qua đó, bài thơ cho thấy vẻ đẹp tâm hồn Bác tuy trong hoàn cảnh gian khổ, tù đày nhưng Người luôn hướng về thiên nhiên và cuộc sống con người, tin vào tương lại tươi đẹp. Đó chính là tinh thần thép của bậc “Đại nhân- Đại trí- Đại dũng” – Hồ Chí Minh.
Hoài Lê