Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Bài làm
Cảm nhận của em về bài thơ Nhàn – Theo Sóng Hồng, “Thơ là thơ đồng thời là hoạ, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng”. Đúng vậy, thơ sẽ là gì nếu không phải là những thanh âm, đường nét tuyệt diệu hiện lên dưới ngòi bút tài hoa của người nghệ sĩ chân chính. Và thơ ca cũng không phải những con chữ héo hon, cạn trơ cảm xúc mà chất chứa một nỗi lòng luôn khát khao được giao hòa với thiên nhiên và sự đồng cảm của loài người. Bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm hội tụ tất cả những điều đó.
“Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến gốc cây ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương (nay thuộc Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Ông sống trong gần trọn vẹn một thế kỉ đầy biến động của chế độ phong kiến Việt Nam, triều Lê – Mạc xưng hùng và Trịnh – Nguyễn phân tranh. Sau khi đỗ Trạng nguyên, ông làm quan tám năm, dâng sớ xin chém mười tám kẻ lộng thần nhưng đều không được chấp nhận. Để bày tỏ sự bất bình với chế độ, ông chon cách cáo quan về quê nhà, đặt hiệu Bạch Vân cư sĩ, dựng am Bạch Vân, lập quán Trung Tân, mở trường dạy học.
Trong số các tác phẩm ông sáng tác, bài thơ “Nhàn” nổi bật trong việc thể hiện quan niệm sống của một bậc ẩn sĩ thanh cao, vượt ra cái tầm thường, xấu xa của cuộc tranh đua danh lợi ở đời. Giữa thế cuộc đảo điên, có lẽ “nhàn” chính là cách xử thế đặc biệt của bậc nho gia trước thực tại. Xa lánh đời, tìm thú vui trong thiên nhiên cây cỏ, giữ tâm hồn trong sạch cũng là cách làm của nhiều cư sĩ trí thức khác thời bấy giờ. Bài thơ đặc trưng cho phong cách chơi “ngông” của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Cảm hứng chủ đạo trong bài thơ là thú vui thanh nhàn, tự tại với ngôn ngữ giản dị, tự nhiên mà cô đọng, giàu ý vị. Bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, có đầy đủ các phần đề, thực, luận, kết.
Cảm nhận của em về bài thơ Nhàn
Trước hết, ở hai câu đề tác giả chủ yếu khắc họa cuộc sống nhàn tản thú vị:
“Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”
Câu thơ gợi về những vùng quê xưa với hình ảnh quen thuộc của “nước giếng đào, cơm cày ruộng”. Các từ “một…một…một…” tạo nhịp thơ đều đặn trong bước chân, hành động và tâm trạng con người. Con người mỗi ngày làm những việc quen thuộc, đều tay cuốc đất, câu cá không lo lắng đến ngày mai sẽ có biến cố, bão giông. Sống cuộc sống tự cung tự cấp mà tác giả vẫn ung dung, ngông ngạo để mà “vui thú đời”. Niềm vui thú ở đời chẳng phải chơi chim quý, tỉa cây quý mà chỉ là câu cá, trồng rau, đào củ… Cái vẻ bận rộn của tác giả giống như một lão nông thực thụ tạo nên nét hài hước, thú vị cho bài thơ.
“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn người đến chốn lao xao”
Ở hai câu thơ này, tác giả phân biệt bản thân với người thường thông qua phép đối cực giữa một bên là nhà thơ xưng “ta” với một bên là “người”. Điều đặc biệt là, tác giả nhận mình là kẻ “dại” vì đã chọn nơi xa với tiền tài, xa cuộc sống bon chen. Còn trái lại, những kẻ chạy đua đên “chốn lao xao” kia, nơi có công danh, lợi lộc tầm thường là “khôn”. Cách nói như vậy thiên về châm biếm kẻ khác ở đời hơn là tự vấn bản thân của tác giả.
Nhà thơ lại tiếp tục nhấn thêm một chút tình điệu thôn quê, của cuộc sống “nhàn”:
“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”
Tác giả như đang tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Những đặc sản, đặc trưng riêng của bốn mùa là măng mùa thu, giá đỗ mùa đông, ao sen mùa xuân và nước mát trong của mùa hè. Người nghệ sĩ hòa hợp với tự nhiên một cách rất “sang trọng”. Hình ảnh măng trúc, giá, hồ sen mang ý nghĩa biểu tượng cho những phẩm chất thanh cao của người quân tử.
“Rượu đến cội cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.”
Hai câu thơ mượn điển tích xưa và những hình ảnh “cội cây”, “rượu”, “phú quý”, “chiêm bao” tạo nên bức tranh chẳng hay là cảnh đời hay tiên cảnh, là tỉnh hay mơ. Con người thông tuệ và thiên nhiên mĩ kì như hòa vào làm một. Và tác giả đặt dấu chấm hết cho cái sự “nhàn” bằng ý thơ “phú quý tựa chiêm bao”. Phú quý, giàu sang cũng như giấc mộng hão huyền, vô hình làm con người mê đắm không thể tỉnh táo. Cái “nhìn” với phú quý của tác giả trong bài thơ cũng là cái nhìn của rất nhiều nhân sĩ yêu nước bấy giờ. Triết lí về phú quý như chiêm bao cũng là triết lí sống cả đời Nguễn Bỉnh Khiêm đi theo.
Bài thơ “Nhàn” bao quát toàn bộ tình cảm, triết lí sống và trí tuệ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, bộc lộ bản lĩnh sống cứng cỏi của một trí sĩ chân chính. Suốt cuộc đời Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông không những khẳng khái vạch trần thế lực đen tối làm đảo lộn cuộc sống nhân dân mà còn giữ gìn giá trị đạo lí tốt đẹp bằng những bài thơ giàu chất triết lí nhân tình thế thái và thái độ thâm trầm của bậc đại nho.
Hoài Lê