Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ “Nói với con” của Y Phương.
Bài làm
Cảm nhận của em về bài thơ Nói Với Con – Y Phương là nhà thơ dân tộc Tày. Thơ ông đậm đà vẻ chân thật, gần gũi, bình dị nhưng tràn đầy tình yêu thương của người dân tộc. Trong số các tác phẩm của Y Phương, “Nói với con” là một trong những bài thơ hay nhất, tiêu biểu cho phong cách sáng tác ấy. Bài thơ đã đi vào lòng người đọc bao thế hệ bằng con đường của tình cảm cha con gần gũi nhưng thiêng liêng và cao quý. Bài thơ giống như một lời thổ lộ, tâm sự ngọt ngào của người cha dành cho đứa con bé bỏng.
Bao trùm bài thơ là tình yêu thương, chia sẻ, gắn bó và giáo dục của một người cha với đứa con về những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Với thể thơ tự do tạo nên chất phóng khoáng và ngôn ngữ giàu cảm xúc chân thành, mộc mạc đã khiến cho bài thơ làm rung động triệu trái tim bạn đọc.
Những câu thơ như đang kể chuyện:
“Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười”
Hình ảnh “chân phải”, “chân trái”, “tiếng nói”, “tiếng cười”, “cha”, “mẹ” đều là những điều rất bình dị, gần gũi với mỗi một con người. Ta có thể hình dung ra khung cảnh về một gia đình ấm áp và hạnh phúc. Ở đó có cha, có mẹ và đứa con nhỏ. Đứa con lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ và chập chững những bước đầu tiên. Mỗi bước chân đi của đứa con đều có công lao của cha mẹ. Từ “một bước”, “hai bước” giống như nỗi mong ngóng của cha mẹ về sự trưởng thành của con cái.
Hết tình cảm gia đình, Y Phương lại đề cập tới tình làng nghĩa xóm của người dân tộc:
“Người đồng mình thương lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”
Tác giả gọi người dân tộc một cách rất mộc mạc, thân thương – “người đồng mình”. Mọi người giống như một gia đình lớn và mỗi thành viên là những con người dân tộc chăm chỉ làm ăn, khéo léo trong mọi công việc nương rẫy. Những từ ngữ “đan lờ”, “ken”… là những từ ngữ đặc trưng của tiếng dân tộc. Trong công việc tất bật thường ngày, ta vẫn thấy “câu hát”. Có lẽ, Y Phương muốn nói nhiều hơn tới tình cảm khăng khít, nghĩa tình của con người và nhắc nhở con phải biết yêu quê hương, con người, ghi nhớ cội nguồn dân tộc.
Cảm nhận của em về bài thơ Nói Với Con
Kết quả của “ngày cưới” – ngày “đẹp nhất trên đời” ấy chính là đứa con. Trong suy nghĩ tác giả, tình yêu thương chính là cội nguồn tạo nên sự sống của mỗi một con người.
Một lần nữa tác giả lại gọi tên “người đồng mình” và nói về “chí lớn” của họ:
“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn”
Tác giả tạo nên sự đối lập giữa cuộc sống nhiều khó khăn và khát vọng của con người thông qua hai chữ “cao” và “xa”. Tác giả ngầm so sánh rằng khó khăn càng cao, càng lớn thì ý chí quyết tâm vươn lên, niềm tin của họ càng mãnh liệt. Và người cha mong rằng, đứa con sẽ phát huy đức tính tốt đẹp ấy.
Và người cha cũng mong rằng:
“Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”
Người cha khuyên răn, giáo huấn con phải biết vượt khó và trở thành một người có ích cho xã hội và đặc biệt là không được quên đi hay than thở về cội nguồn, quê hương dù nơi ấy có “đá gập ghềnh”, “nghèo đói”. Đứa con hãy cứ sống mãnh liệt, dạt dào như sông suối, như thác đỏ, ghềnh đá tựa như thiên nhiên rừng núi hoang dại, phóng khoáng. Điệp từ “sống” được đặt đầu dòng ba câu thơ như càng khẳng định thêm chân lý ấy.
Người cha tiếp thêm tự tin cho đứa con bằng cách nhấn mạnh tới truyền thống quê hương:
“Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con”
Nghị lực sống phi thường của người “đồng mình” là chuyện chắc chắn, cọn hãy biết tự hào và học hỏi để sau này trở thành người như vậy.
Những câu thơ như bài ca, câu ngắn rồi lại câu dài như từng cái rung tay của người cha ru con ngủ. Qua bài thơ “Nói với con”, Y Phương đã gieo vào lòng người đọc những bài học triết lí thông qua tình cảm cha con sâu nặng, thiết tha, chân thành.
Hoài Lê