Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận.
Bài làm
Cảm nhận của em về bài thơ Tràng Giang – Văn học 1930-1945 nổi bật với phong trào Thơ Mới, cũng là thời điểm hàng loạt cây bút mới xuất hiện với những phong cách rất khác nhau. Trong đó, nhà thơ Huy Cận được nhắc tới mang nỗi buồn thiên thu, sầu vạn cổ, “buồn” nhất trong các nhà thơ Mới. Bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận tiêu biểu cho nét phong cách này. Bài thơ không chỉ là cảnh thiên nhiên rộng lớn, hoang dại, giàu chất cổ điển mà còn là nỗi lòng của một con người nhỏ bé lạc lõng, bế tắc của kiếp người trôi nổi trên chính quê hương mình.
Ngay từ đầu bài thơ, người đọc đã thấy những nỗi buồn trùng điệp, miên man của một hồn thơ “ảo não”:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng”
Từ “tràng giang” xuất hiện ngay từ đầu bài thơ, trong nhan đề và cả trong lời đề từ được coi là “nhãn tự” của bài thơ. Từ “tràng giang” gợi nhắc tới con sông Trường Giang của Trung Quốc chảy dài, nó như thấp thoáng bóng dáng Đường thi. Tuy nhiên, từ láy “tràng giang” với vần “ang” còn gợi ra chiều sâu và rộng của không gian, tạo nên cảm giác về một vùng nước rộng lớn, mênh mông, chảy cuồn cuộn không ngừng.
Đoạn thơ miêu tả lại cảnh mặt hồ với những con sóng, con thuyền, dòng nước và cành củi trôi trên mặt sông. Các thực thể ấy đi kèm với những từ “gơn”, “một”, “lạc” tạo nên vẻ cô độc, lạc lõng.
Và có lẽ, lần đầu tiên ta thấy được một con sóng kì lạ đến vậy, con sóng biết mang nỗi “buồn điệp điệp”. Những con sóng lăn tăn đang nối đuôi liên tục liên tục vỗ vào nhau thành hàng ngàn nỗi buồn chồng lớp lớp. Trên mặt nước đang “buồn” có độc một con thuyền đang trong trạng thái “xuôi mái” (buông xuôi mái chèo) để mặc cho dòng nước trôi. Hai mạn thuyền tạo thành hai vạch nước song song trôi tuột về phía chân trời, không có điểm dừng, cũng không có điểm chung.
Ngay đến dòng nước trong thơ Huy Cận cũng mang trong mình mối “sầu trăm ngả”. Thuyền và nước là hai thứ không thể tách rời nhau, nhưng ở đây chúng như thuộc về hai thế giới, một thứ thì “về”, thứ kia thì “lại” chỉ còn vương đọng nơi đây một mảnh tình sầu và cành củi khô. Cành củi khô – vật chết, cũng đang lạc lõng giữa dòng đời như nhà thơ đang cô đơn tuyệt đối.
Cảnh sống của con người cũng chẳng kém phần sầu thảm:
“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”
Nhà thơ chỉ thấy trong mắt những cồn cát nhỏ lơ thơ như những nấm mồ hoang bên triền cát đìu hiu gió thổi. Quả thật khiến người ta ớn lạnh. Ớn lạnh bởi những gì ta vừa mới hình dung và ớn lạnh vì nghĩ tới những câu thơ xưa của Nguyễn Du trong “Truyện Kiều”:
“Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về”
Bỗng từ “đâu”, nơi nào đó xa xa văng vẳng dồn về tiếng chợ chiều, cái âm thanh xô bồ của cuộc sống mưu sinh mà ta đã một lần bắt gặp trong bài “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi:
“Lao xao chợ cá làng ngư phủ”
Nhìn lên trời cao, lăng kính của một tâm hồn lạc lõng, sầu thương chỉ thấy sự chia cắt. Hia thực thể “nắng” và “trời” đáng ra phải cùng hướng nhưng một thứ thì “xuống”, một thứ khác lại ngược “lên”. Không gian cũng như đang ở nơi vũ trụ vô cùng vừa rộng lớn vừa “sâu chót vót”. Chiều sâu, chiều rộng không thể đo đếm bằng bất kì lượng từ nào. Chính vì thế, nhân vật trữ tình càng trở nên nhỏ bé và cô độc hơn.
“Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thương nhớ
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”
Nhà thơ có vẻ như đang so sánh bản thân với thân phận của loài “bèo dạt”, đó là tâm thế của chính nhà thơ trước thời cuộc xã hội loạn lạc. Như loài bèo trôi, thân phận trí thức bèo bọt cũng không biết đi đâu, về đâu.
Cảm nhận của em về bài thơ Tràng Giang
Nhà thơ hướng nhãn quan tìm một chút sự sống, sự đồng cảm nhỏ bé nhưng rút cục vẫn không một bóng con người, không một chuyến đò, cũng không có lấy một cây cầu. Đến cây cầu dẫn lối cũng không có, con người đang bế tắc khốn cùng. Con đường – nơi dễ tìm thấy dấu chân người nhất cũng chỉ có “bờ xanh” tiếp nối những “bãi vàng” cô liêu, hoang dại.
Tâm trạng tác giả thể hiện rõ nhất trong khổ thơ cối:
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
Những hình ảnh như “mây cao đùn núi bạc”, “chim nghiêng cánh nhỏ”, “bóng chiều sa”, “vời con nước”, “khói hoàng hôn” rất đậm chất cổ điển, gợi lên không gian chiều tà chất chứa mỏi mệt, chán trường.
Nhà thơ chìm trong hai cảm giác là “dờn dợn” và “nhớ nhà”. Cảm giác “dờn dợn” là cảm giác nhỏ bé trước không gian rộng lớn vô cùng. Còn “nhớ nhà”. Có ai lại nhớ quê hương khi đang đứng trên mảnh đất quê hương mình? Có lẽ nhà thơ đang hỏi mình và cũng hỏi người đọc: Nhà đâu rồi? Trong xã hội phong kiến – thực dân thối nát này, quê hương là gì đây? Nỗi nhớ không cần khói sóng quê hương vẫn tha thiết nhớ cho thấy nỗi nhớ quê, tình yêu đất nước rất thường trực trong lòng nhà thơ. Đó cũng là tâm trạng chung của nhiều trí thức yêu nước bấy giờ.
Tóm lại, bài thơ “Tràng giang” khá thành công trong việc xây dựng hình ảnh thơ mang chiều sâu của không gian, thời gian. Bài thơ không chỉ là bức tranh thiên nhiên sầu thảm mà còn chất chứa tình yêu quê hương sâu nặng của tác giả.
Hoài Lê