Home / Văn mẫu / Văn mẫu lớp 12 / Cảm nhận của em về bài thơ Việt Bắc

Cảm nhận của em về bài thơ Việt Bắc

Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu.

Bài làm

Cảm nhận của em về bài thơ Việt Bắc – Đã có biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ say sưa viết về đất nước Việt Nam trong niềm tự hào về một dân tộc con Lạc cháu Rồng sống quật cường, nhân nghĩa. “Việt Bắc” của Tố Hữu cũng góp vào bức tranh chung ấy niềm yêu mến về thiên nhiên và con người Việt Bắc trong hoài niệm và chan chứa nghĩa tình.

Tố Hữu là nhà thơ được nhắc đến với phong cách nổi bật – “trữ tình chính trị”. Nhà thơ nói chuyện chính trị, chuyện đại sự quốc gia bằng giọng điệu thủ thỉ, chân tình, tự nhiên, đằm thắm. Bài thơ “Việt Bắc” là cảm xúc đặc biệt mà Tố Hữu đã ghi lại qua sự kiện Trung ương Chính phủ và Đảng rời căn cứ địa Việt Bắc về Thủ đô khi miền Bắc giải phóng năm 1954. Bài thơ nói lên niềm yêu thiên nhiên và những hoài niệm của nhà thơ về một thời quân dân gắn bó nghĩa tình, cùng chiến đấu và lao động tạo nên chiến thắng cách mạng vang dội núi sông.

Trước hết, bài thơ “Việt Bắc” có kết cấu giống như cuộc chia tay bịn rịn giữa hai nhân vật trữ tình là người ra đi và kẻ ở lại.

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn”

Ta thấy hai nhân vật xuất hiện ở đây là “mình” và “ta”. Hai nhân vật này sẽ xuyên suốt câu chuyện, vừa tạo nên chất thơ gần gũi với văn học dân gian vừa gợi nên sự giao hòa đăng đối giữa con người trong tác phẩm. Tác giả nhắc là quãng thời gian “mười lăm năm ấy” – mười lăm năm kháng chiến gian khổ trường kì nhưng thắm tình quân dân cá – nước. Trong nỗi nhớ ấy, có thiên nhiên, có con người, có tình nghĩa và có kháng chiến.

Tố Hữu dành nhiều bút lực và cảm tình cho việc thể hiện bức tranh thiên nhiên Việt Bắc tươi đẹp. Bức tranh ấy đạt đến đỉnh cao của vẻ đẹp toàn mỹ trong “bộ tranh tứ bình” về Việt Bắc:

“Ta về mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao ánh nắng dao gài thắt lưng

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

Thiên nhiên Việt Bắc trong bốn mùa xuân – hạ – thu – đông đều mang những nét rất đặc trưng. Mùa đông, hình ảnh bông hoa chuối đỏ rực trên nền xanh trầm mặc của núi rừng như ngọn đuốc sáng sưởi ấm mọi vật. Mùa xuân thiên nhiên chìm trong sắc trắng của hoa mơ nên ảo mộng lắm. Hạ tới khiến thiên nhiên đắm trong sắc vàng hoa phách đổ và tiếng ve râm ran rạo rực lòng người. Thu sang, Việt Bắc sáng ngời dưới ánh trăng hòa bình thật nên thơ. Thử hỏi một nơi tuyệt vời như thế, ai có thể quên?

Vẻ đẹp Việt Bắc là sự hòa phối giữa thiên nhiên và con người. Thiên nhiên Việt Bắc còn đẹp vì có con người và là “bạn chiến đấu” của con người. Trong bức tranh tứ bình, cứ một câu lục nói về thiên nhiên thì lại có một câu bát nói về con người. Con người làm chủ núi rừng, con người sống dựa vào thiên nhiên và con người cần thiên nhiên để tạo ra giá trị vật chất. Tất cả hội tụ thành một nỗi “nhớ hoa cùng người”.

cam nhan cua em ve bai tho viet bac - Cảm nhận của em về bài thơ Việt Bắc

Cảm nhận của em về bài thơ Việt Bắc

Thiên nhiên Việt Bắc cùng con người chiến đấu ra sao? Đó là:

“Nhớ khi giặc đến giặc lùng

Rừng cây núi đá ta cùng đánh tây

Núi giăng thành lũy sắt dày

Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”

Nguyễn Khải đã nói: “điều mà những người cầm bút ở mọi nơi, mọi thời nói đến đó là cái cao thượng, cái tốt đẹp và cái thủy chung”. Thiên nhiên dâng hiến sức sống và cuộc đời cho con người. Thiên nhiên sát cánh con người cùng sống cùng chết. Đó phải chăng chính là cái cao thượng-tốt đẹp-thủy chung của Tố Hữu?

Con người nơi Việt Bắc đẹp vì tấm lòng son sắt, nghĩa tình. Tại nơi này, Tố Hữu và người nơi đây:

“Thương nhau, chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô

Nhớ sao lớp học i tờ

Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan”

Nhớ về Việt Bắc, Tố Hữu không quên ngày thu lịch sử:

“Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan.

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.”

Hình ảnh quân và dân ta trong đêm nổi dậy với khí thế rung chuyển đất trời, hừng hực khí thế được Tố Hữu khắc họa rất tài tình. Ta như thấy cả một khối với đôi chân trần, đầu đội mũ nan, cầm ngọn đuốc sáng rực ào ào xông lên phá tan “nghìn đêm” thuộc địa đen tối để tiến tới nước Việt Nam độc lập, tự do.

Khi “tin vui chiến thắng trăm miền” vang vọng khắp những đèo De, núi Hồng, Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên… cũng là lúc ta hiên ngang bước tới cuộc sống mới đầy hứa hẹn:

“Nắng trưa rực rỡ sao vàng

Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công

Ðiều quân chiến dịch thu đông

Nông thôn phát động, giao thông mở đường

Giữ đê, phòng hạn, thu lương

Gửi dao miền ngược, thêm trường các khu…”

Quân và dân ta bước vào cuộc chiến mới với giặc đói, giặc dốt, với thiên tai… Thế nhưng, những ngày tháng gian khổ, hi sinh vẫn sẽ mãi được con người khắc ghi. Hình ảnh “cụ Hồ sáng soi” và “Việt Bắc nuôi chí bền” cuối bài thơ là niềm tin yêu tuyệt đối vào Đảng, vào Bác và vào tinh thần đoàn kết của nhân dân.

Một bài thơ lục bát dài nhưng linh hoạt, uyển chuyển vô cùng và từng câu, từng chữ như chứa chan tình cảm và lí tưởng của Tố Hữu. Bài thơ “Việt Bắc” bàn về một câu chuyện lịch sử đã đi qua rất lâu nhưng tình yêu trong đó vẫn mãi sôi sục trong tim người yêu thơ bao đời.

Hoài Lê

Check Also

gai xinh di hoc dep 310x165 - Nghị luận xã hội về cách ứng xử văn hóa trong giao thông hiện nay (lớp 12)

Nghị luận xã hội về cách ứng xử văn hóa trong giao thông hiện nay (lớp 12)

Nghị luận xã hội về cách ứng xử văn hóa trong giao thông hiện nay …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *