Đề bài: Cảm nhận của em về nhân vật Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân.
Bài làm
Cảm nhận của em về nhân vật Huấn Cao – Ai đó đã nói rằng Nguyễn Tuân có mặt trên đời là để minh họa cho hai câu thơ “ngông” của Nguyễn Công Trứ:
“Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi”
Cuộc đời Nguyễn Tuân là những ngày dài dong chơi, chỉ có điều là chơi nghệ thuật. Cảm hứng ấy Nguyễn Tuân đã truyền vào nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù” một cách rất tinh tế. Huấn Cao – một con người nghệ sĩ rất mực tài hoa, có khí phách hiên ngang và “thiên lương” trong sáng.
Văn chương Nguyễn Tuân xuất hiện trong nền văn học Việt Nam như một hiện tượng phản ánh cái tài hoa vô cùng của người nghệ sĩ. Văn Nguyễn Tuân mang cái đẹp hoàn hảo, vẹn toàn và đặc biệt là rất “sang”.
Tác phẩm “Chữ người tử tù” in trong tập “Vang bóng một thời” xuất bản năm 1940 là một trong số hàng trăm tác phẩm của nhà văn, đưa đến cho người đọc cái nhìn rất mới mẻ. Chất kiêu bạc, ngông nghênh, “vô tiền khoáng hậu” của cái tôi “suốt đời đi tìm cái đẹp” gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc yêu văn.
Tác phẩm tập trung vào xây dựng hình tượng nhân vật Huấn Cao, đại diện cho tuyến nhân vật tài hoa siêu đẳng thường thấy trong văn Nguyễn Tuân. Trong văn Nguyễn Tuân, đến thằng trộm gà cũng đẹp, cũng tài nghệ tuyệt vời. Nhân vật Huấn Cao nổi bật với tài năng vượt trội và tâm hồn sáng ngời đức thiên lương đã đi vào lòng người đọc như một vị “thần” bảo vệ và lưu giữ cái đẹp dân tộc muôn đời.
Trước hết, nhân vật Huấn Cao được biết đến với tài năng hơn người. Hình tượng nhân vật Huấn Cao lấy từ một nhân cách có thật mang tên Cao Bá Quát, “văn võ đều có tài cả” và đặc biệt là “nổi tiếng chữ đẹp”. Với người thường, có được cái bộ chữ do đích tay ông Huấn viết như có được “một vật báu trên đời”. Danh tiếng của Huấn Cao vang xa, “khắp tỉnh Sơn ta đều biết”. Chỉ với vài chi tiết qua lời giới thiệu của nhân vật quản ngục, Huấn Cao hiện lên như một người nghệ sĩ tài hoa. Đây là nhân vật đại diện cho vẻ đẹp một thời nay chỉ còn “vang bóng” mà Nguyễn Tuân luôn tâm niệm.
Ông Huấn là một người có khí phách. Cái khí phách ấy ít ai có được. Chỉ nói riêng chuyện cho chữ thôi, cả đời ông Huấn mới cho chữ có mấy người, nhưng là cho vì lòng yêu cái đẹp chứ không phải vì vật chất. Với Huấn Cao, tiền bạc hay cường quyền không bao giờ khiến Huấn Cao ép mình cho chữ, cho câu đối: “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà phải ép mình viết, câu đối bao giờ”. Hơn nữa, “Tính ông vốn khoảng, từ chỗ tri kỷ, ông ít chịu cho chữ”.
Cảm nhận của em về nhân vật Huấn Cao
Ngay cả khi rơi vào cảnh tù đày, nơi mà bọn ngục cai như “một lũ tiểu nhân thị oai”, nơi mà ông ngồi chờ ngày hành quyết xử tử, ông vẫn “dỗ” gông mà tỏ ý khinh miệt. Rồi khi quản ngục và thầy thơ lại “khoản đãi” rượu thịt thì Huấn Cao “thản nhiên ăn thịt, uống rượu như một việc vẫn làm trong hứng bình sinh”. Huấn Cao coi thường phép tắc, luật lệ tầm thường, sống tự do trong tâm hồn ngay cả khi sắp đến cái chết.
Khí phách của ông Huấn thể hiện ngay trên chữ mà ông viết ra. Trong cảnh tù ngục, chân trói chặt bằng gông cùm, xiềng xích nhưng Huấn Cao vẫn viết nên được những con chữ để đời.
Huấn Cao gây ấn tượng nhất với người đọc có lẽ là ở “thiên lương” trong sáng, ở nhân cách cao thượng “một đời chỉ cúi lạy trước hoa mai”. Từ nét chữ “đẹp lắm, vuông lắm” ta đã thấy một tâm hồn sáng trong biết bao nhiêu. Chỉ có ai yêu chữ, có tâm hồn tinh tế, thanh cao mới có thể viết lên những con chữ như vậy.
Trong cảnh Huấn Cao cho chữ quản ngục, hình ảnh ông Huấn giữa “một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián” lại cao đẹp, vĩ đại đến nhường nào. Một “tấm lụa trắng tinh”, một “phiến lụa óng”, một “thoi mực thơm” và một kẻ tử tù “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” đang “đậm tô từng nét chữ vuông tươi tắn”. Đó là cái cảnh mà Nguyễn Tuân cho là “xưa nay chưa từng có”. Huấn Cao chính là người mang sứ mệnh nắm giữ cái đẹp và hành động cho chữ chính là lưu truyền cái tinh hoa nhất ở đời.
Thiên lương của Huấn Cao đã làm trong sạch xã hội, làm kẻ như quản ngục, thầy thơ lại cũng phải cân nhắc tới chuyện rời xa chốn “nhem nhuốc” để sống đời của kẻ “lương thiện”. Lời khuyên của Huấn Cao với thầy quản ngục cũng là triết lí của Nguyễn Tuân về cái đẹp ở đời: cái đẹp không thể sống chung với cái xấu, lương thiện không chấp nhận cho cái ác đồng hành. Và cái “vái lạy” của quản ngục ở cuối truyện cũng là cái “váy lạy” của con người trước cái đẹp. Cái đẹp muôn đời được kính trọng và nâng niu. Huấn Cao đỡ tay quản ngục đứng dậy chính là cái đỡ tay của bậc anh hùng ngạo nghễ biết “biệt nhỡn liên tài”, biết trân quý những tâm hồn thiện lương. Chính vì vậy, hình tượng nhân vật Huấn Cao đã trở nên bất tử trong tim người đọc.
Với tác phẩm “Chữ người tử tù”, Huấn Cao đã thành công trong việc xây dựng chân dung nhân vật Huấn Cao điển hình cho lí tưởng thẩm mỹ. Có một Nguyễn Tuân trên đời, cái đẹp cũng “sang” hơn biết bao.
Hoài Lê