Đề bài: Cảm nhận về mùa xuân Việt Nam.
Bài làm
Với mỗi người dân Việt Nam, chúng ta luôn tự hào về một đất nước thiên nhiên tươi đẹp và văn hóa ngàn đời. Chẳng biết tự bao giờ, mùa xuân tươi đẹp gắn liền với phong tục, tập quán đặc trưng của người Việt đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống và tâm hồn mỗi con người. Với không ít người, mùa xuân là mùa yêu thích nhất. Tôi cũng vậy.
Trong mắt tôi, mùa xuân sống động hơn bất kì thời điểm nào trong năm. Thiên nhiên mùa xuân thay đổi tới diệu kì. Lộc non, là biếc, hoa thắm… Tất cả đua nhau khoe sắc, tỏa hương, phát lộc. Tôi vẫn nhớ những câu thơ được học từ hồi lớp vỡ lòng:
“Hoa ban xoè cánh trắng
Lan tươi màu nắng vàng
Cành hồng khoe nụ thắm
Bay làn hương dịu dàng”
(“Hoa quanh lăng Bác” – Nguyễn Bao)
Không nhắc đến xuân, nhưng tôi luôn tin rằng tác giả đang miêu tả cảnh xuân bên Lăng Bác. Hoa đua nở. Nắng vàng giòn. Phảng phất chút gió lạnh còn sót lại của mùa đông. Cái không khí mê người ấy năm nào cũng có mà tôi vẫn thấy thèm.
Trong quan niệm của người Việt, mùa xuân là mùa đầu tiên trong năm nên có tính quyết định mọi diễn biến trong cả năm tới. Vì vậy con người luôn giữ cho mình trong trạng thái lạc quan, nhàn nhã, tận hưởng những ngày đầu xuân để cả năm được an nhàn. Mùa xuân rơi vào khoảng ba tháng đầu năm, là thời điểm giao mùa giữa đông và hạ. Trong thời gian này, người Việt tổ chức ăn Tết cùng với nhiều hoạt động đầu năm mới, vô cùng nhộn nhịp.
Nghĩ về Tết, xưa kia xuân mang màu hồng của hoa đào, vàng của mai và đỏ của lì xì, câu đối, áo tân thời. Màu sắc ấy được nhà thơ Vũ Đình Liên tái hiện trong bài thơ “Ông đồ”:
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua”
Tết với “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bành chưng xanh” đi vào tâm thức mỗi người con Việt Nam. Còn Tết nay đủ đầy, sung túc và sang trọng hơn. Xuân là dịp người chơi đào, mai trổ tài. Trước của mỗi nhà đôi khi có thêm cây quất, cây cam, chậu hoa đầy lộc non, hoa thắm.
Tết cũng là dịp để mỗi chúng ta tìm về cội nguồn, đoàn tụ bên người thân yêu. Ai đi “tha phương cầu thực” đều thu vén đồ đạc ngày cuối năm để xuân sang đón năm mới bên gia đình. Ngay cả Việt Kiều, du học sinh… cũng ở nơi đất khách mà hướng về quê nhà, thèm một miếng bánh chưng, miếng xôi, miếng giò… quê hương.
Với tôi, mùa xuân gắn liền với những ngày theo mẹ đi sắm tết, trang hoàng nhà cửa. Tôi được mẹ mua cho những bộ quần áo mới, rực rỡ. Bố thường đi ra phố huyện chọn mua một cây đào đẹp về cho có khí xuân. Ông khéo tay gói những chiếc bánh chưng xanh, tối cùng bà thức đêm trông nồi bánh chưng dưới ánh củi hồng. Những ngày như thế là dịp duy nhất trong năm cả gia đình nhộn nhịp chăm chút nhà cửa, cùng giúp đỡ nhau tham gia việc nhà.
Tôi thích nhất là những ngày mộng một, mồng hai, mồng ba tết… được về quê nội, quê ngoại, họ hàng, thầy cô… để chúc mừng năm mới và nhận những phong bao lì xì đỏ thắm kèm theo lời chúc chăm ngoan, học giỏi. Có lẽ Tết là dịp đoàn tụ lớn nhất trong năm của mọi gia đình Việt Nam.
Mùa xuân gắn liền với nhiều lễ hội lớn. Những tục lệ xin chữ đầu năm, xin thẻ, hái lộc, trẩy hội, du xuân, tảo mộ… đều vô cùng hấp dẫn, thú vị. Đặc biệt là phong trào đi lễ chùa đầu năm. Ai có điều kiện thì đến các chùa lớn như Chùa Hương, Yên Tử, Bái Đính, Ba Vàng… Ai không đi xa được thì về các đình, chùa, miếu trong làng để khấn bái, cầu mong một năm an lành, hạnh phúc.
“Xuân ơi xuân xuân đã về
Có nỗi vui nào vui hơn ngày xuân đến”
Phải, có niềm vui nào to lớn bằng khi xuân về. Đâu chỉ người già, lão ấu mà cả thanh niên, người trung tuổi cũng không khỏi háo hức khi xuân về. Một năm có bốn mùa và không chỉ riêng Việt Nam mới có mùa xuân. Thế nhưng, mùa xuân trong tôi giá trị ở những kỉ niệm tuổi thơ.
Hoài Lê