Đề bài: Em hãy phân tích bài ca dao “Anh đi anh nhớ quê nhà”
Bài làm
Ca dao là một trong những thể loại thuộc văn học dân gian Việt Nam, có tính truyền miệng, lối văn giản dị, mộc mạc, đời thường. Ca dao kết tinh tâm tư, tình cảm của cha ông xưa đo đó, nỗi nhớ trong ca dao được thể hiện muôn màu muôn vẻ. Bài ca dao dưới đây là một ví dụ điển hình:
“Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Nhớ ai dãi nắng dầm sương,
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”
Bài “Anh đi anh nhớ quê nhà” vốn là sáng tác của Á Nam Trần Tuấn Khải, một nhà thơ sống trong khoảng đầu thế kỉ XX, sau này được nhân dân hóa thành ca dao. Cả bài chỉ vẻn vẹn bốn câu, nhưng có hai cách hiểu khác nhau rõ rệt và cả hai cách hiểu đó đều có cơ sở. Cách hiểu thứ nhất nhấn mạnh vào nỗi nhớ quê nhà của người xa quê vì thế chủ đề chính của bài ca dao là tình cản gắn bó sâu nặng với quê hương. Cách hiểu thứ hai nhấn mạnh vào nỗi nhớ “ai” của người “anh” sắp ra đi nên chủ đề chính của bài ca dao là lời bày tỏ tình yêu đôi lứa.
Hai câu đầu là nỗi nhớ quê:
“Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.”
Đại từ “anh” rất quen thuộc trong ca dao dân ca:
“Anh đi đường ấy xa xa,
Để em ôm bóng trăng tà năm canh.
Nước non một gánh chung tình,
Nhớ ai ai có nhớ mình hay chăng?”
Hinha ảnh “anh đi” trong bài ca dao có thể là anh đã đi xa lâu ngày hay đang chuẩn bị đi đâu đó. Anh đi làm thợ, đi lính thú hay đi tha hương cầu thực? Rời quê hương biết bao thứ khiến ta nhớ mong. Những thứ tưởng chừng như tầm thường, vô giá trị như là bát canh rau muống hay miếng cà dầm tương. Anh đi làm thợ, đi lính thú, đi tha hương cầu thực… Ba chữ “nhớ” xuất hiện trong 2 câu thơ diễn tả nỗi nhớ triền miên, day dứt, khôn nguôi. Nỗi nhớ quê nhà là nỗi nhớ chung, còn nỗi nhớ ở câu thơ thứ hai là nỗi nhớ cụ thể. Bát canh rau muống hay món cà dầm tương đều được làm từ “cây nhà lá vườn”, là món ăn dân dã chỉ có người nghèo mới ăn nhưng nó lại đậm đà tình quê. Quê anh nghèo lắm, chỉ có món ăn bình dị ấy thôi nên anh cũng chỉ nhớ những thứ đó thôi. Tuy nhân vật “anh” không tên nhưng ta vẫn thấy cái tính cách mộc mạc, chất phác, giàu tình rất yêu. Hình ảnh “canh rau muống” và “cà dầm tương” ngụ ý sâu xa hơn đó là nỗi nhớ về người mẹ hiền tần tảo sớm khuya. Đây là đặc trưng thường thấy ở ca dao.

Hai câu sau, nỗi nhớ của anh đã hướng sang một đối tượng mới:
“Nhớ ai dãi nắng dầm sương,
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.”
Vậy là từ nhớ cảnh, nhớ quê, nhớ hương vị quê nhà đến nhớ người. Người đó là ai? Tiếp tục là đại từ nhân xưng “ai” không xác định. Đây cũng là chủ thể thường thấy trong ca dao:
“Ai đem con sáo sang sông,
Để cho con sáo sổ lồng nó bay.”
“Ai làm cho bướm lìa hoa,
Cho chim xanh nỡ bay qua vườn hồng.
Ai đi muôn dặm non sông,
Để ai chất chứa sầu đong vơi đầy.”
Trong bài ca dao, từ “Nhớ” lại tiếp tục được nhắc lại ở đầu mỗi câu thơ như muốn thể hiện nỗi nhớ ở cung bậc cao nhất, phải thốt lên thành lời. Anh nhớ một người nào đó “dãi nắng dầm mưa” và “tát nước bên đàng”. Hình ảnh “dãi nắng dầm mưa” gợi nhiều hơn về người mẹ tần tảo như đã nói ở hai câu thơ trước. Song hình ảnh “tát nước bên đàng” lại gợi nhiều về người con gái thôn quê mặn mà, đằm thắm, chịu thương:
“Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”
Nhưng cái chung ở đây là nỗi nhớ cùng hướng về những người thân thương ở quê nhà quanh năm dãi nắng dầm sương, chân lấm tay bùn vất vả, cực nhọc.
Tóm lại, bốn câu lục bát với âm điệu nhẹ nhàng, thiết tha đã diễn tả rất thành công niềm thương nhớ quê nhà. Giọng thơ có chút bồi hồi, bâng khuâng nhờ điệp từ “nhớ”. Người xưa đã đóng góp cho kho tàng văn học việt nam những bài ca dao đậm tình người để con cháu hôm nay thêm yêu quê hương, đất nước hơn.
Hoài Lê