Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến.
Bài làm
Nguyễn Khuyến (1835-1909) quê ở Yên Đổ, Bình Lục, Hà Nam. Dân gian thường gọi Nguyễn Khuyến là Tam Nguyên Yên Đổ. Suốt cả đời Nguyễn Khuyến hướng tới cuộc sống thanh cao, bình dị. Ông thường làm thơ bằng cả chữ Hán và chữ Nôm. Bài "Bạn đến chơi nhà" là một trong những bài thơ Nôm đặc sắc của ông, nói lên một tình bạn rất đẹp đẽ:
“Đã bấy lâu nay, bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
Ao sâu nước cả, khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà
Cải chửa ra hoa, cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
Đầu trò tiếp khách, trầu không có
Bác đến chơi đây ta với ta”
Câu nhập đề rất tự nhiên:
“Đã bấy lâu nay bác tới nhà”
Giống như một lời nói mộc mạc của nhà thơ sau bao tháng ngày mới gặp lại bạn. Nhịp thơ 4/3 tạo không khí vồn vã, vui mừng khôn xiết. Đặc biệt là chữ “bác” vừa thân mật vừa kính trọng đối với bạn tri âm. Cách hỏi “Đã bấy lâu nay” không đưa ra thời gian cụ thể, chỉ biết là rất lâu, rất lâu rồi. Bạn lâu ngày mới đến chơi, biết lấy gì đãi bạn đây?

Những câu thơ tiếp theo là tình cảnh éo le:
“Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
Ao sâu nước cả, khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà
Cải chửa ra cây, cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
Đầu trò tiếp khách, trầu không có”
Đoạn thơ bao gồm cả phần thực và phần luận. Tất cả đoạn thơ cùng nhằm thể hiện một lẽ: Tuy có tất cả nhưng lại chẳng có gì!
Nhà không có trẻ nhỏ để dặn đi chuẩn bị thiết đãi bạn, chợ thì xa quá. Tính chuyện đi mua không được, tác giả hướng cái nhìn về căn nhà để tìm “món” đãi bạn. Thế nhưng, tình cảnh cũng ngang trái không kém: có ao cá nhưng nước cả không thể chài, có gà trong vườn nhưng vì vườn rộng che chắn không vững nên khó mà bắt được, có cà, có cải, có mướp, có bầu nhưng đều chưa thể thu hoạch, miếng trầu cũng không có… Tác giả miêu tả cảnh vật tài tình tới mức người đọc như cảm nhận bản thân đang thực sự được tới đây và trải nghiệm căn nhà từ: áo tới vườn tới ngõ. Bên cạnh cái éo le, người đọc còn cảm nhận được cái khí chất của một không giam đậm sắc thôn dã chất phác, bình yên. Người chủ nhà này sao mà lại có cuộc sống thanh bạch, ấm áp đến thế!
Các tính từ như: sâu, cả, rộng, thưa kết hợp môt loạt các trạng từ chỉ tình trạng như: khôn, khó, chửa, mới, vừa, đương bổ trợ, đăng đối tạo nên lời thơ rất mực uyển chuyển, linh hoạt, đi vào lòng người.
Câu kết là điểm nhấn, là một sự “bùng nổ” về ý và tình:
“Bác đến chơi đây, ta với ta”
“Bác” đã không quản tuổi già sức yếu đến thăm hỏi thì còn gì quý hóa bằng! Không cần bất kì một thứ vật chất nào hết, chỉ cần có “ta” và “ta” là đủ rồi. Không còn là “bác” với tôi nữa mà họ hòa vào làm một thành “ta”. Không rõ “ta” nào là chủ nhà, “ta” nào là khách nhưng tình bạn tri kỷ thì rõ mồn một trước mắt.
Ý thơ này gợi nhớ về câu thơ "Một mảnh tình riêng ta với ta" của Bà Huyện Thanh Quan. Đó là cái “ta” cô độc tuyệt đối. Còn trong câu thơ của Nguyễn Khuyến, cái “ta” lại ấm áp tình đời, tình bạn. Tình bạn đáng quý biết mấy. Đúng là:
“Sống trong ngọc đá kim cương
Không bằng sống giữa tình thương bạn bè”
(Khuyết danh)
Bài thơ được viết dưới niêm luật chặt chẽ của thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật song lời thơ như được giải phóng trở nên dí dỏm, vui tươi. Bài thơ cũng mang chất trào phúng rõ rệt. Qua đó, tác giả thể hiện thứ tình bạn trong sáng, sâu sắc, hiếm có, không vụ lợi xen lẫn niềm tự hào của tác giả khi có một tình bạn vô giá.
Với lời thơ mộc mạc, giản dị, gần gũi, bài thơ “Bạn đến chơi nhà” thể hiện được hồn thơ đẹp và tình bằng hữu quý giá của nhà thơ. Với tác giả, tình bạn cần dựa trên sự hiểu nhau, chia sẻ, cảm thông.
Hoài Lê