Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh.
Bài làm
Trong thơ văn xưa nay, hình ảnh ánh trăng đã trở thành một nguồn cảm hứng lớn để các nhà văn, nhà thơ thổi hồn vào các tác phẩm nghệ thuật của mình. Cũng viết về đề tài quen thuộc đó nhưng ánh trăng trong thơ của Hồ Chí Minh lại mang một diện mạo rất mới, qua đó thầm kín thể hiện tâm thế con người. Bài thơ “Cảnh khuya” tiêu biểu cho điều đó, với sức hút rất riêng.
Hồ Chí Minh (1890 – 1969) là nhà cách mạng, nhà lãnh đạo tài ba, một chiến sĩ cộng sản quốc tế. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cũng là một nhà thơ, nhà văn xuất sắc. Thơ văn Hồ Chí Minh thể hiện một con người tài hoa, uyên bác và một tâm hồn giàu nhân đạo, giàu lòng yêu nước.
Bài “Cảnh khuya” được Hồ Chí Minh sáng tác vào năm 1947, tức là khoảng thời kì đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kì, gian khổ mà oanh liệt của dân tộc Việt Nam. Giữa hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề tác giả vẫn giữ được phong thái ung dung, tự tại, tinh thần lạc quan.

Bằng những vần thơ tài hoa, Hồ Chí Minh vẽ ra trước mắt chúng ta vẻ đẹp lạ kì của một đêm trăng rừng:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.”
Với nhịp thơ 3/4 được ngắt ở từ “trong”, tạo ra một nốt lặng giống như quãng nghỉ để suy ngẫm, liên tưởng ra một hình ảnh so sánh thật đẹp – “như tiếng hát xa”. Trong đêm khuya thanh vắng, mọi vật như đang lặng đi để tiếng suối rừng lên ngôi. Dòng suối trong trẻo róc rách qua khe đá, liên tục dội về từ nơi xa xôi nào đó như một tiếng hát trong trẻo, du dương. Đó là âm thanh, còn cảnh vật? Cảnh vật bị bao trùm bởi ánh trăng. Trăng là hình ảnh quen thuộc trong thơ ca và cũng trong chính thơ Bác. Trăng luôn là hình ảnh gợi sự tươi đẹp, đoàn viên. Với thi nhân, trăng đã từng là tri kỉ:
“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”.
(“Ngắm trăng”)
Cơn ở đây, trăng tượng trưng cho thiên nhiên mỹ lệ vô cùng. Trăng như chiếu rọi muôn nơi, lọt qua kẽ tán lá cây cổ thụ soi bóng xuống mặt đất như một bức tranh hoa được làm từ chất liệu bóng đen và ánh sáng trăng. Khung cảnh thiên nhiên thật đẹp, xa xa là tiếng suối, gần kề là bóng trăng, bóng cây đang hòa quyện, lung linh.
Sau khi miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên, lời thơ hướng về con người:
“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”
Cái “cảnh khuya như vẽ” trên kia khiến con người không ngủ được ư? Không phải. Người chưa ngủ không phải vì say cảnh sắc tuyệt mỹ và vì “lo”. Bác chưa ngủ được, là “chưa ngủ” chứ không phải là không ngủ được. Ta chợt nhớ đến mấy câu thơ:
"Một canh, hai canh, lại ba canh
Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành
Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh"
(“Không ngủ được”)
Hóa ra, bấy lâu nay Bác vẫn thao thức, nghĩ ngợi về đất nước. Trách nhiệm nặng nề của một lãnh tụ cách mạng đang đè nặng trên vai. Nỗi đau nô lệ của nhân dân vẫn còn đó, trong những bài thơ Bác viết:
“Oa… Oa… Oa…
Cha sợ xung quân cứu nước nhà
Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi
Phải theo mẹ đến ở nhà pha”
(“Nhật ký trong tù”)
Thế mới thấy tình yêu đất nước của Bác cao cả biết mấy. Bác đã khao khát biết bao nhiêu về một đất nứơc thanh bình, để ngày ngày con người đc sống tự do, hạnh phúc? Bác đã bao lần tự hỏi: Biết đến bao giờ đất nước mới tự do để người yêu thiên nhiên như Bác được thỏa thích ngắm trăng đây? Lịch sử đã giúp ta trả lời câu hỏi đó!
Tóm lại, bài thơ “Cảnh khuya” có sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp thiên nhiên và tâm trạng con người. Hình ảnh thơ, câu từ vừa có tính truyền thống vừa có tính hiện đại, vừa lãng mạn lại vừa hiện thực. Qua đó, bài thơ bộc lộ tình yêu thiên nhiên và yêu quê hương đất nước sâu kín của tác giả, góp phần vào thể hiện phong cách thơ tài hoa nghệ sĩ của Hồ Chí Minh.
Hoài Lê