Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử
Bài làm
Không ở đâu tôi thấm thía nỗi đau đời như trong thơ Hàn Mặc Tử. Thơ Hàn khi mờ ảo khi điên cuồng, khi ai oán… Những vần thơ như tiếng khóc, những vần thơ rỉ máu khiến mỗi lần đọc tôi như thắt lại. Thế nhưng song song với niềm đâu vẫn có những vần thơ thật đẹp, thật tươi của thiên nhiên đất trời. Hai mạch cảm xúc ấy xuyên suốt trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”.
Ta biết đến Hàn Mặc Tử như một thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh. Hàn Mặc Tử quá nửa đời người sống cùng bệnh tật, bị hắt hủi phải sống những năm tháng cuối đời ở trại phong Tuy Hòa. Bệnh tật hành hạ nhưng vượt lên trên nỗi đau ấy là những sáng tác rất giá trị của ông để lại cho đời. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” được Hàn Mặc Tử sáng tác khi ông đã mắc bệnh nặng, vì thế hình ảnh và cảm xúc trong thơ đan xen nỗi nhớ quê hương và nỗi đau thực tại.
Bài thơ bắt đầu bằng bức tranh thiên nhiên xứ Huế:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”
Lời thơ gợi ra không gian xứ Huế mộng mơ có thôn Vĩ Dạ đẹp tuyệt vời, đầy mời gọi. Ở nơi này, tác giả hướng về Huế như một cuộc hành trình về thăm trong tâm tưởng. Huế có gì? Là những hàng cau cao vun vút như chạm tới mặt trời đang ló dạng. Là khu vườn non tơ. Là lá trúc rì rào trong gió. Hình ảnh “nắng hàng cau” rất giàu sức gợi. Suốt một đêm sương dày làm ướt những tàu lá cau. Khi nắng bình minh lên, ánh mặt trời phản chiếu những hạt sương sớm khiến ngọn cau long lanh. Nhìn từ xa, cả hàng cau chạy dài như những cây biết phát sáng tỏa ánh hào quang. Từ “mướt quá” và lối so sánh “xanh như ngọc” đã diễn tả sự non tơ, trân quý tối đa của cây lá trong vườn. Hình ảnh khuôn mặt “chữ điền” có nhiều ý nghĩa. Đó có thể là người con gái chân thật, mặn mà đang e ấp, duyên dáng sau ngọn tre. Đó cũng có thể là chính tác giả đang vượt không gian về Vĩ Dạ bằng con tàu tâm tưởng để nhìn ngắm say sưa bức tranh Vĩ Dạ tinh khôi, sáng ngời trong nắng mới. Câu hỏi tu từ câu thơ đầu tiên cho thấy nỗi băn khoăn: Sao anh không về thôn Vĩ Dạ đi? Vĩ Dạ đẹp nhường này sao anh không về? Về làm sao khi bệnh tật dày vò… Nhớ Vĩ Dạ lắm nhưng “lực bất tòng tâm”. Câu hỏi như lời trách cứ nhẹ nhàng, ý nhị của Huế với nhà thơ.
Nghĩ về Huế, tác giả nhìn lại hoàn cảnh thực tại:
“Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chờ trăng về kịp tối nay?”
Thực tại như nhuốm màu tâm trạng của tác giả. Nguyễn Du có nói “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Sự cô độc, lạc lõng trong lòng nhà thơ khiến cho bức tranh sông nước cũng rơi vào trạng thái tương tự.
Hai thực thể gió và mây vốn luôn gắn liền với nhau. Gió chiều nào mây trôi chiều ấy. Nhưng trong con mắt thi sĩ, gió và mây như ngược đường, gió một lối riêng, mây trôi đường riêng. Nhịp thơ 4/3 trong câu thơ tạo ra bức tường ngăn cách, khu biệt hai thực thể gió và mây thành hai phương trời riêng biệt.
Cái “buồn thiu” của nước mới thật khiến người ta thấy não nề. Buồn gì mà lại “buồn thiu”? Nó khác cái buồn mênh mang trời bề, trùng trùng điệp điệp trong thơ Huy Cận:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng”.
(“Tràng giang”)
Huy Cận là nhà thơ “buồn” nhất trong các nhà thơ Mới, nhưng cái “buồn” của Hàn cũng đâu kém. Cộng hưởng nỗi buồn ấy là cái “lay” của hoa bắp tạo ra không gian có sự sống nhưng như đã chết, hoạt động đấy nhưng cứ như không hoạt động. Đây là tác dụng từ nghệ thuật lấy động tả tĩnh.
Thời gian dần chuyển tối và tác giả tiếp tục miêu tả cảnh bến sông trăng. Thuyền và bến cũng là hai hình ảnh quen thuộc trong ca dao tượng trưng cho người con gái chờ người yêu, người chồng trở về:
“Thuyền về có nhớ bến chăng
Bến thì một da khăng khăng đợi thuyền”
Nhưng trong lúc lẻ loi, cô độc thiếu ánh sáng này, Hàn đâu có xác định được “thuyền” kia là thuyền nào đâu? “Thuyền ai” đang đậu trên sông trăng xa xa, tuyệt đẹp nhưng khó xác định tựa con thuyền hạnh phúc chở đầy trăng nhưng sao mãi không tới đây? Nhà thơ đợi lâu quá rồi, nếu không mau mau tới đây sẽ không “kịp” mất? Cách hỏi “thuyền ai”, “có…kịp…?” thể hiện mối băn khoăn, day dứt của nhà thơ muốn có hạnh phúc nhưng hạnh phúc ở quá tầm tay với.
Hình ảnh thơ mơ hồ dần, cuối cùng như tan vào sương khói:
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”
Tác giả trong trạng thái tỉnh nhưng lại như “mơ”. Người không mơ được trở về thôn Vĩ nữa mà mơ có một người khách nào đó đến thăm. Chỉ là một lữ khách qua đường thôi nhưng không có, không hề có ai cả. Bởi vì người ấy “trắng quá” – tinh thiết và cao xa quá nên tác giả không nắm lấy được. Điều này đúng bởi thơ Hàn vốn dĩ luôn chất chứa mặc cảm bệnh tật. Do đó, nhà thơ luôn đẩy mình vào nơi “lòng giếng lạnh” chỉ dám từ xa ngắm nghía cảnh sắc đẹp tươi phía ngoài kia. Trong bài thơ, tác giả thả mình trong nơi “sương khói” lạnh giá, ma mị, thiếu sức sống. Câu hỏi tu từ cuối bài một lần nữa cho thấy nỗi băn khoăn, day dứt khôn nguôi.
Tóm lại, bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” là một bức tranh đẹp về cảnh thôn Vĩ bên bờ sông Hương thơ mộng cũng là sự nuối tiếc đối với sự sống ngắn ngủi, với cuộc đời còn dang dở. Khâm phục biết mấy con người đã vượt qua tất thảy nỗi đau để làm nên những trang văn tài hoa.
Hoài Lê