Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ “Đồng Chí” của Chính Hữu.
Bài làm
Người lính là thể tài quen thuộc trong thơ ca. Người ta luôn dành như câu từ cao đẹp, sáng ngời nhất để nói về người lính. Thơ ca chống Pháp viết về người lính nói chung vừa thể hiện cái gian lao vừa là cái hùng dũng, hiên ngang và nhất là rất chân thật. Bài thơ “Đồng Chí” của Chính Hữu là một ví dụ. Hình ảnh người lính lam lũ mà kiên cường trấn giữ trời đất, núi sông đã tạc nên dáng hình anh bộ đội cụ Hồ thân yêu của đất nước và con người Việt Nam.
Chính Hữu (1926- 2007) là người con của mảnh đất Hà Tĩnh nhọc nhằn và giàu sức vươn lên. Chính Hữu không phải là nhà thơ có sức viết dồi dào, song với những tác phẩm của mình, ông góp công lớn vào nền thơ hiện đại Việt Nam, làm phong phú trong mảng thơ ca chiến tranh.
Bài thơ “Đồng Chí” được in trong tập “Đầu súng trăng treo”. Bài thơ được viết năm 1948, sau khi Chính Hữu cùng đồng đội vừa trải qua chiến dịch Việt Bắc thu – đông. Qua bài thơ, tác giả ca ngợi những người lính trong buổi đầu chống Pháp tuy vất vả nhưng luôn thắm tình đồng chí.
Người lính trong thơ Chính Hữu xuất hiện không phải cái khí ra hừng hực ra trận của tráng sĩ Kinh Kha xưa một đi không thành không sẽ không trở lại
“Phong tiêu tiêu hề Dịch thủy hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn”
mà rất chấn chất, thân thương:
"Quê hương anh nước mặn, đồng chua,
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Tôi với anh đôi người xa lạ,
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kì
Đồng chí!”
Đoạn thơ trình bày cơ sở hình thành tình đồng chí của người lính, đó là họ cũng bước lên từ ruộng đồng bùn đất, từ miền quê nghèo lam lũ, lam lũ tới mức “nước mặn đồng chua” (miền Nam) và “đất cày sỏi đá” (miền Trung, miền Bắc). Theo tiếng gọi của của Tổ quốc họ từ mọi phương trời cùng hội tụ về đây để rồi trở thành đồng chí. Hình ảnh “súng bên súng, đầu sát bên đầu” rất giàu sức gợi, tạc nên hình ảnh những người lính không biết tên, không biết tuổi nhưng chung nhau ý chí bảo vệ núi sông, non nươc chung của cả dân tộc. Đó là khi chiến đấu, còn khi ngủ nghỉ, họ lại “chung chăn”. Hai nhân vật “tôi” và “anh” không tên nhưng cũng thành “tri kỉ”, tương thông về cả đời sống vật chất và cả tâm hồn. Hai tiếng “đồng chí” thốt lên thiêng liêng biết mấy.

Ba câu thơ tiếp theo lại gợi ta về tâm thế người lính lúc tạm biệt quê hương lên đường chiến đấu.
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà chung mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”
Thời kì trung đại có câu thơ thế này:
“Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung”
Còn ở thơ Chính Hữu, người lính “xếp” những gì? Là căn nhà “mặc kệ gió”, là mảnh ruộng cơ nghiệp “gửi bạn thân”. Đến giếng nước đầu làng, cây đa cuối xóm cũng như đang tiễn biệt họ.
"Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi.
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”
Tạm xa làng quê nghèo khó, cái khắc nghiệt nơi chiến trường hiện ra. Những “cơn ớn lạnh”, “sốt run người”, “trán ướt mồ hôi” chính là cái “thiêng”, cái “độc” của rừng rú và bệnh tật. Đời sống vật chất cũng chẳng khá hơn. Áo thì “rách vai”, quần lại “có vài mảnh vá”, chân “không giày”. Vậy mà ngày nào họ cũng nghiêm túc đứng gác, phục kích chờ giặc nơi rừng hoang đầy sương giá khi thoảng lại bật ra tiếng cười “buốt giá”. Cái rét lạnh cứng cơ thể khiến cái cười cũng tê dại.
Hình ảnh thơ cuối cùng như một điểm nhấn của cả bài thơ:
“Đầu súng trăng treo”
Trăng xuất hiện như người bạn tâm giao của các chiến sĩ. Trăng vừa hiện thực vừa lãng mạn. Người lính đứng gác chắc tay súng, súng giữ dọc bên thân người. Xa xa, vầng trăng sáng rực, tròn trịa, tinh khiết. Nhà thơ rất tinh tế khi khám phá ra cái mũi súng kia vừa đủ chạm tới vành trăng lớn phía chân trời. Nhưng không phải là trăng trên súng, mà là trăng treo trên súng. Thông thường phải nói là trăng treo súng, nhưng sự đảo trật tự vai vế khiến phần chủ động thuộc về người lính. Người lính chủ động đến đây, đồng hành và chủ động chiến đấu. Họ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc để giữ lấy hòa bình cho chính quê hương chung của mọi người.
Tóm lại, bài thơ “Đồng chí” là nỗi nhớ về những người đồng đội nông dân của chính tác giả và cũng là tình yêu quê hương đất nước sâu nặng, dạt dào. Với những lời thơ chân thành, mộc mạc, giàu hình ảnh đã tạo nên một tác phẩm rất riêng, rất giá trị làm nên phóng cách Chính Hữu
Biết bao người lính đã ngã xuống cho đất nước đứng lên, do đó thế hệ hôm nay phả nhớ ơn và nỗ lực hết mình xây dựng và giữ gìn thành quả mà họ đã hi sinh cả thanh xuân và tính mạng để có được.
Hoài Lê