Home / Văn mẫu / Văn mẫu lớp 9 / Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương

Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương

Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương.

Bài làm

Tố Hữu đã dành những câu thơ chan chứa biết ơn cho Bác:

“Hồ Chí Minh

Hỡi ngọn đuốc thiêng liêng

Trên đầu ta, ngọn cờ dân tộc

Trăm thế kỷ trong tên Người: Ái Quốc

Bạn muôn đời của thế giới đau thương….”

Phải, mất đi Bác là sự mất mát đau đớn vô cùng. Tỏ lòng biết ơn và tiếc thương sâu sắc về Bác, Viễn Phương cũng viết lên những dòng thơ đẫm lệ qua bài “Viếng lăng Bác”.

Nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhắc đến vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam. Suốt cuộc đời “bảy mươi chín mùa xuân” của Người, Bác đã hi sinh tất cả để lo cho dân tộc, lo cho đồng bào Việt Nam, mong sao đồng bào mình được tự do, hạnh phúc. Ngày Bác qua đời, cuộc khánh chiến chống Mỹ vẫn chưa kết thúc, đất nước chưa được thống nhất, nó vẫn là niềm day dứt khôn nguôi trong Bác. Mãi đến năm 1976 khi đất nước quy về một mối và lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thiện, Viễn Phương cũng như hàng triệu đồng bào ra miền Bắc “thăm” Bác. Bài thơ được sáng tác nhân dịp đó.

Khổ thơ đầu là những hình ảnh đầu tiên tác giả nhìn thấy khi ra thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.”

Không phải ngẫu nhiên Viễn Phương chọn tre làm hình ảnh bắt đầu bài thơ. Tre là biểu tượng cho con người, sức sống và tinh thần nhân dân Việt Nam. Tre vẫn cứ “thẳng hàng” dù có “bão táp mưa sa” mạnh tới đâu như con người Việt Nam vẫn ngày ngày kiên cường, hiên ngang vượt khó. Do từ xa nên chỉ thấy bụi tre trong sương mờ như người Việt kết đoàn một khối vững chắc. Cái thi vị của bài thơ ở chỗ tác giả xưng “con” và sử dụng thán từ “Ôi!”. Viễn Phương như đang thủ thỉ, kể chuyện tâm tình với vị Cha già đáng kính đã lâu lắm rồi mới được về thăm. Tác giả dùng từ “thăm” chứ không phải viếng khiến cho ta cảm thấy Bác như vẫn còn đấy, an yên nơi đấy, thi thoảng chúng ‘con” nhớ Bác sẽ lại về chơi. Lăng giống như ngôi nhà chung có vị Cha vĩ đại đang chờ chúng con về thăm. Chỉ có bốn câu thơ ngắn thôi nhưng chất chứa trong đó là tấm lòng, là niềm thương, là trái tim không chỉ của nhà thơ mà còn của dân tộc ta dành cho vị Cha già đáng kính.

phan tich bai tho vieng lang bac cua vien phuong - Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương
Em hãy phân tích bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương

Khổ thơ thứ hai là tâm trạng của nhà thơ khi đứng trước lăng:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”

Hình ảnh mặt trời lặp lại ở cả hai câu thơ gợi ra hai loại mặt trời, một mặt trời ngoài lăng và một mặt trời trong lăng. Vũ trụ chỉ có duy nhất một mặt trời thôi, vậy ra mặt trời thứ nhất là mặt trời thực, mặt trời của chung tất cả mọi người trên thế giới, là mặt trời mang lại ánh sáng, sự sống cho muôn loài. Còn hình ảnh “mặt trời trong lăng” chính là Bác Hồ. Sự ví von so sánh rất chuẩn xác, sáng tạo. Người chính là ánh sáng chân lý soi đường cho dân tộc ta đến với hòa bình. Bác sẽ tồn tại vĩnh cửu trong tim người dân Việt Nam.

Tác giả miêu tả dòng người chuyển động không ngừng nghỉ, liên tục liên tục không hồi kết thông qua từ láy “ngày ngày”. Ngày ngày ở trên là thời gian trôi đi, còn ngày ngày ở dưới là đoàn người đến viếng cùng niềm “thương nhớ”. Những “tràng hoa” được kết lại từ trái tim, từ lòng biết ơn, sự kính trọng của mọi người để dâng lên “bảy mươi chín mùa xuân” cống hiến cho dân tộc của Người.

Khổ thơ thứ ba là cảnh trong lăng với bao cảm xúc, bao niềm vui, sự thương nhớ như vỡ òa vào giây phút nhà thơ được nhìn thấy Bác.

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim!”

Thời gian và không gian ngừng lại trong cái khoảng khắc tri ân này. Ngắm nhìn Bác trìu mến. Cách nói “giấc ngủ bình yên” thể hiện trạng thái như đang ngủ an yên của Bác. Còn “vầng trăng sáng” thể hiện sự thanh khiết, sáng trong.

“Trời xanh” là hình ảnh đa nghĩa. Hiểu theo nghĩa thực là bầu trời thiên nhiên, tồn tại vĩnh hằng cùng thời gian. Hiểu theo nghĩa biểu tượng, trời xanh chính là Bác, Bác sẽ mãi mãi tồn tại cùng non sông, đất nước Việt Nam. Dẫu vây, nhà thơ vẫn cứ “nhói” trong tâm. “Nhói” nỗi đau đột ngột, thắt lại. Dù Bác vẫn mãi ở trong tim, nhưng thực tế Bác đã không còn, mất đi Bác khiến nhân dân như “đứt từng khúc ruột”.

Bài thơ khép lại bằng khát khao của tác giả:

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.”

Phải rời xa Bác về miền Nam, nhưng niềm tiếc thương vẫn như “trào nước mắt”. Không nỡ chia tay, Viễn Phương mong ước tha thiết muốn được làm con chim hót cho Bác nghe, làm đóa hoa tỏa hương, làm cây tre vững vàng canh giấc ngủ bình yên cho Bác. Ba điệp ngữ “muốn làm” thể hiện khát vọng cháy bỏng, thiết tha.

Bằng tất cả tình cảm chân thành, chan chứa niềm thương, Viễn Phương đã làm bài thơ “Viếng lăng Bác” như một bản tình ca trữ tình, sâu lắng nhất. Đó là lí do sau này bài thơ được phổ nhạc.

Hoài Lê

Check Also

dd926f3ede44a75eb0c4e08157ef0d17 310x165 - Phân tích nhân vật Phương Định trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi

Phân tích nhân vật Phương Định trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi

Phân tích nhân vật Phương Định trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi Truyền …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *