Đề bài: Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân.
Bài làm
Trong làng văn Việt Nam, nếu nói tới một nhà văn chuyên đi sâu vào khai thác vẻ đẹp trong tâm hồn, cốt cách nhân vật và miêu tả nó vừa mang tính hiện thực vừa mang tính lãng mạn thì người ta nghĩ ngay đến nhà văn Nguyễn Tuân. Ông là cây bút tài hoa của nền văn học Việt Nam. Trong các tác phẩm của ông, truyện ngắn Chữ người tử tù là một tác phẩm kiệt xuất viết trước cách mạng tháng Tám với nhân vật trung tâm là Huấn Cao, một kẻ sĩ tài hoa có tấm lòng thẳng thắn. Có thể nói, thông qua hình tượng nhân vật, nhà văn không chỉ nhằm ca ngợi khí phách của nhân vật mà ông muốn gửi gắm những ước mơ, khát vọng của mình vào những điều đẹp đẽ của cuộc đời.
Bất bình trước những ngang trái, Huấn Cao đứng lên tố cáo sự trắng trợn của triều đình. Ông khẳng khái chống lại triều đình mục nát, thối rữa, không một chút lo sợ cho sự an nguy của mình. Bởi vậy, trong mắt quân lính triều đình, ông là kẻ ngạo ngược và nguy hiểm nhất, nên đề phòng. Thầy thơ lại đánh giá ông là người văn võ đều có tài, viên quản ngục thì cho ông là người chọc trời khuấy nước, coi thường tiền bạc và bạo lực. Huấn Cao, một kẻ tử tù nhưng đầy oai phong,ngạo nghễ, đáng nể trong mắt mọi người. Giữa chốn lao tù, ông vẫn toát lên sự thanh cao hơn người, đến những kẻ đại diện cho triều đình cũng phải nể trọng.
Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao
Huấn Cao hiện lên dưới ngòi bút của nhà văn Nguyễn Tuân mang một vẻ đẹp phi thường, vừa bộc trực, hào khí vừa thoát phàm. Những ngày ở tù, ông như một vị tướng, ngày ngày rượu thịt, phong thái không có một chút biểu hiện nào là một kẻ tử tù. Ông không sợ trời, không sợ đất, có thể thét lên với bất cứ ai. Chỉ nhìn thấy ông người ta đã nể phục.
Trước khi bị giam cầm, ông đã nổi tiếng là kẻ sĩ tài hoa, chữ viết của ông đẹp đến độ được ngưỡng mộ như một báu vật trên đời. Viên quản ngục đã từ lâu mong ước có được chữ của Huấn Cao để treo trong nhà. Nhưng Huấn Cao vốn không ép mình viết bao giờ, ông chỉ viết cho những người khiến ông ngưỡng mộ và khâm phục.
Huấn Cao rất coi trọng tình bạn, mến mộ những con người có chí khí. Khi biết được tấm lòng của viên quản ngục, ngưỡng mộ trước tấm chân tình và khát khao cái đẹp của ông ta, ông xúc động nhận ra bản chất tốt đẹp bên trong cái con người đang làm cái việc ông cho là mất đi thiên lương, ông đã quyết định cho chữ viên quản ngục.
Vào cái đêm trước khi ra pháp trường, ông vẫn ung dung ngồi viết chữ cho viên quản ngục. Giữa bốn bức tường giam chật hẹp, tối tăm và ẩm mốc, hôi hám, đây chính là hình ảnh đẹp, vừa hiện thực vừa hết sức lãng mạn. Cả ba con người như thoát ra khỏi hiện thực, lạc vào cõi thần tiên của chữ viết, ba con người hoàn toàn khác nhau về vị thế lúc này hòa vào làm một, hướng về cái đẹp tinh khôi, bay bổng của từng nét chữ. Huấn cao, kẻ tử tù thì khoan thai, say mê sáng tạo nghệ thuật thư pháp. Viên thơ lại, viên quản ngục không chút quyền uy mà còn tỏ ra khúm núm, dạ thưa trước Huấn Cao. Và khi nghe những lời khuyên của Huấn Cao, viên quản ngục đã có hành động vái lạy rồi được Huấn Cao đỡ dậy. Hành động ấy của hai người chả khác gì viên quản ngục mới là người sắp phải ra pháp trường, còn Huấn Cao đang là con người của tự do đầy quyền uy. Chính vì vậy, hình ảnh Huấn cao lúc này thật nổi bật, lung linh, kì vĩ.
Qua từng nét bút sắc sảo, Nguyễn Tuân dẫn dắt người đọc gặp một Huấn cao oai phong, đĩnh đạc, ung dung, tự tại. Ông biểu tượng cho cái đẹp tâm hồn, trí tuệ và cốt cách. Cái đẹp ấy vô giá và vĩnh cửu, đáng ngưỡng mộ, tiêu biểu cho những đấng anh hùng trong thiên hạ, luôn lấy chính nghĩa làm trọng, có sự bao dung, có cái nhìn toàn diện khi đánh giá con người, tìm ra cái đẹp bản chất bên trong và hướng mọi người tới cái đẹp.
Tuấn Đức