Đề bài: Em hãy thuyết minh về mâm cỗ trung thu.
Bài làm
Với trẻ em, ngoài ngày Tết Thiếu nhi 1/6 hàng năm thì Tết Trung thu có lẽ là một trong những ngày chúng háo hức mong chờ nhất. Trong đó, thưởng thức mâm cỗ trung thu là “tiết mục” mà bọn trẻ quê thích nhất. Mâm cỗ trung thu cũng mang những ý nghĩa biểu tượng rất đặc biệt của con người Việt Nam.
Nguồn gốc của Trung thu cho tới nay còn nhiều bàn cãi. Theo quan niệm xưa để lại, Tết Trung thu là khoảng thời gian chính thu, khi mùa màng vừa thu hoạch xong, do đó ngày này như một hình thức để mừng mùa màng bội thu và cúng đất trời cầu bội thu trong những mùa lúa tới.

Tết Trung thu hay còn gọi là Tết đoàn viên, Tết rước đèn, Tết trông trăng… là dịp lễ lớn hằng năm của Việt Nam được tổ chức vào Rằm tháng tám, tức là ngày 15/8 (âm lịch) hàng năm. Vào Tết Trung thu, các gia đình cũng sắm sửa, thực hiện các nghi thức và hoạt động truyền thống. Các bà, các mẹ sẽ dọn dẹp nhà cửa, mua hoa quả, bánh trung thu làm thành mâm cỗ đầy đặn để cúng trời đất và thưởng thức khi trăng tròn. Ngoài ra còn có hoạt động rước đèn ông sao, múa sư tử hay múa lân trong đêm Rằm để đón Tết.
Trước kia, do điều kiện kinh tế còn thấp nên mâm cỗ trung thu khá đơn giản, thường gọi hơn với cái tên mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả bao gồm 5 loại quả chính với 5 loại màu sắc biểu tượng cho 5 ý nghĩa khác nhau. Ngày nay, mâm ngũ quả được chị em nội trợ trang trí khá công phu, cầu kì, đa dạng thành nhiều kiểu dáng với nhiều loại hoa quả, bánh kẹo khác nhau nhằm cầu tiền tài, một năm mới sung túc, no ấm. Chính vì vậy, người dân thường gọi nó với cái tên biến thể là mâm "thập" quả. Mâm “thập” quả ngày nay ngoài 5 loại quả truyền thống còn có nhiều loại quả khác, tùy từng gia đình trang trí thêm.
Mỗi vùng miền nước ta có đặc điểm khác nhau trong trang trí và sử dụng các loại quả sao cho phù hợp với đặc điểm quê nhà. Con người miền Bắc chú trọng lễ nghi bởi họ quan niệm “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nên luôn cố gắng làm mâm cỗ trung thu toàn vẹn, đủ đầy nhất cầu sung túc, thịnh vượng. Mâm ngũ quả truyền thống bao gồm chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Nải chuối xanh được đặt ở dưới cùng đỡ lấy toàn bộ các cây trái khác thể hiện sự che chở của đất trời cho con người. Chính giữa nải chuối là quả bưởi chín vàng nổi bật. Những quả chín đỏ như hồng, quýt hay cà chua đặt xung quanh. Những chỗ khuyết đặt xen kẽ quýt vàng, táo màu xanh hoặc những trái ớt đỏ mọng.
Miền Trung là vùng nghèo khó, đất đai vốn cằn cỗi, ít hoa trái, thời tiết khắc nghiệt nên mâm cỗ trung thu không cần quá coi trọng, thường là có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên. Các loại quả được dùng phổ biến là: chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài…
Trái lại, phong tục thờ cúng của người miền Nam khá cầu kỳ nên mâm ngũ quả thường rất được coi trọng. Người dân miền Nam không dùng quả chuối mà thích dùng các loại trái như: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, thơm (dứa), dưa hấu…
Với mỗi chúng ta, cảm giác trông trăng, phá cỗ trung thu thật khó có thể diễn tả bằng lời. Vào đêm rằm, chờ đến khi trăng lên tới đỉnh đầu chính là giây phút phá cỗ. Những đứa trẻ ào tới vây tròn quanh mâm cỗ thưởng thức hương vị của Tết Trung Thu rồi cùng ông bà trông trăng. Vừa ngắm trăng sáng, ông bà vừa kể cho con cháu sự tích Chú Cuội trên cung trăng, về cây đa quý bị bật gốc bay lên trời, chú Cuội bèn bám vào rễ cây níu kéo lại nhưng cuối cùng lại bị cây đa kéo lên tận cung trăng và ở mãi với Chị Hằng Nga, thỏ ngọc.
Có nhiều ý kiến cho rằng Trung thu Việt Nam bắt nguồn từ trung Quốc, là học theo Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi tin rằng với những phong tục và ý nghĩa đặc biệt của Tết Trung thu cùng mâm cỗ trông trăng trong đời sống và tâm linh của người Việt rất luôn có gì đó rất riêng, rất Việt Nam.
Hoài Lê