Home / Văn mẫu / Văn mẫu lớp 7 / Bình luận câu tục ngữ Có công mài sắt, có ngày nên kim

Bình luận câu tục ngữ Có công mài sắt, có ngày nên kim

Đề bài: Em hãy bình luận câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim”.

Bài làm

“Có công mài sắt, có ngày nên kim” là câu tục ngữ người xưa truyền lại, qua đó ông cha muốn răn dạy con cháu rằng: chỉ cần kiên trì, nỗ lực hết mình nhất định sẽ đi tới thành công.

Câu tục ngữ cũng là nhan đề một câu chuyện ngắn. Chuyện kể về một cậu bé ham chơi, lười học một lần thấy bà cụ già ngồi mài một cục sắt to lên tảng đá bên vệ đường. Vì tò mò, nên cậu ta mon men lại gần hỏi xem bà cụ làm gì. Bà cụ trả lời rằng bà mài thỏi sắt này thành kim rồi giảng giải: “Mỗi ngày mài thỏi sắt nhỏ đi một tí, sẽ có ngày nó thành kim. Giống như cháu đi học, mỗi ngày cháu học một ít, sẽ có ngày cháu thành tài.”

binh luan cau tuc ngu co cong mai sat co ngay nen kim - Bình luận câu tục ngữ Có công mài sắt, có ngày nên kim
Em hãy bình luận câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim”

Thực tế thì trước kia, để làm ra một chiếc kim phục vụ công việc may vá, thêu thùa, những người thợ phải rất tỉ mỉ, kiên trì mài từ những cục sắt to. Tuy cây kim nhìn bé nhỏ nhưng thợ mài phải đổ bao mồ hôi, công sức mới làm thành. Do đó, câu tục ngữ này là bài học về lòng kiên trì của con người. Người xưa muốn nhắc nhở con cháu cho dù là bất kì việc gì hay khó khăn tới đâu, thì chỉ cần có lòng nỗ lực, kiên trì, nhẫn nại chắc chắn ngày nào đó sẽ đạt được mục đích của mình. Đó cũng chính là con đường đi tới thành công.

Trong cuộc sống, con người phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách mới có thể đạt tới thành công. Người nông dân phải “một nắng hai sương” trải qua bao khó nhọc, từ cày ruộng, tát nước, ủ hạt, ném mạ, cấy lúa, rắc phân, nhổ cỏ rồi cuối cùng mới có thể gặt hát, phơi khô, xay xát… làm ra hạt gạo mẩy thơm. Người thợ đánh cá vượt sóng cả, vũ bão ngày đêm lênh đênh trên biển khơi mới đem về được mẻ cá đầy thuyền. Có vinh quang nào mà không đánh đổi bằng những giọt mồ hôi mặn chát?

Tuy nhiên, đó chỉ là một mặt của vấn đề. Mượn câu nói của Nguyễn Bá Học: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”, tôi muốn nhấn mạnh vào lòng kiên trì. Chỉ khi nào có lòng kiên trì, tôi tin không có khó khăn nào là bạn không thể vượt qua.

Bác Hồ – vị Chủ tịch nước mẫu mực, nhà lãnh đạo tài ba của dân tộc là tấm gương thuyết phục nhất về lòng kiên trì. Chỉ có lòng kiên trì, Bác mới có thể tự mình học được hơn 5 thứ tiếng khác nhau. Chỉ có lòng kiên trì, Bác mới từ hai bàn tay trắng mà gầy dựng lên lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam hùng mạnh, kết đoàn. Chỉ có lòng kiên trì mà Đảng cùng nhân dân ta mới lật đổ ách thống trị của những quốc gia “sừng sỏ” nhất, thâm độc nhất… để đem lại hòa bình cho dân tộc Việt Nam. Cả đời lao động sáng tạo không ngừng nghỉ, Bác đã đúc rút kinh nghiệm đó thành một bài thơ vui:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”.

Và để gặt hái được những thành công lớn trong cuộc sống, lời khuyên đưa ra là bạn hãy bắt đầu nỗ lực từ những điều nhỏ nhất. Cậu bé trong câu chuyện trên cũng bắt đầu từ việc “mỗi ngày học một ít”, Rùa muốn thắng Thỏ trong cuộc đua cũng phải bước từng bước một… Cố gắng từng ngày, từng ngày một, đến một lúc nào đó tự bạn sẽ chạm tới thành công.

Với học sinh, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta phải tự rèn luyện cho mình sự bền bỉ, dẻo dai và cố gắng trang bị cho bản thân một vốn kiến thức sâu rộng. Có vậy, mỗi người mới đủ vững vàng để tương lai trở thành con người có tài năng, góp sức mình cho công cuộc phát triển chung của đất nước.

Tinh thần vượt khó là một trong những bí quyết giúp ta đạt được mọi thành công trong cuộc sống. Câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim” là bài học quý báu sẽ theo ta trên hành trang bước vào cuộc sống sau này.

Hoài Lê

Check Also

thaohuyen4 4387256 310x165 - Tả về cô giáo mầm non của em

Tả về cô giáo mầm non của em

Tả về cô giáo mầm non của em Bài làm Chắc hẳn trong mỗi chúng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *