Đề bài: Em hãy bình luận về câu nói “Một điều nhịn, chín điều lành”.
Bài làm
Tục ngữ, thành ngữ, ca dao dân gian là kho tàng kinh nghiệm “sống” vô cùng quý giá mà người xưa để lại cho chúng ta. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, kho kinh nghiệm đó vẫn tồn tại tới ngày nay và khẳng định được giá trị của nó trong cuộc sống. Trong đó, tôi luôn tâm đắc câu tục ngữ: “Một điều nhịn, chín điều lành”. Câu tục ngữ là bài học về kinh nghiệm ứng xử trong cuộc sống con người.
Với hình thức ngắn gọn, cân bằng nhờ hai vế đăng đối, vần điệu nhịp nhàng giúp người nghe tiếp thu dễ dàng, dễ ghi nhớ và lúc nào đó ta chợt nghĩ về rồi nghiền ngẫm cái triết lý sâu xa trong nó. Trong câu tục ngữ trên có hai khái niệm là “nhịn” và “lành”. Nhịn trong câu nói mang hơi hướng tích cực nên có thể định nghĩa “nhịn” như một loại đức đính nhẫn nại của con người. Nhịn là trạng thái nhún nhường, chịu đựng sự tức giận hay khó chịu trong lóng để giữ hòa khí trong giao tiếp, ứng xử. Còn “lành” là sự an lành, bình yên, thỏa mãn trong tâm hồn con người. Từ “lành” ở đây tượng trưng cho là kết quả tốt đẹp, thỏa đáng. Câu nói sử dụng cách so sánh cường điệu giữa một điều với chín điều để nhấn mạnh rằng: khi biết giữ thái độ nhường nhịn, ôn hòa trong cuộc sống con người sẽ tìm thấy sự an yên. Đây cũng là cách ứng xử thông minh, chuẩn mực trong giáo tiếp.
Tuy rằng cách so sánh có phần cường điệu hóa song nội dung của nó đích thực phản ánh thực tế cuộc sống. Trong đời người, bạn sẽ không thể tránh khỏi những lúc xảy ra, mâu thuẫn xung đột khi tiếp xúc, kết giao với mọi người xung quanh. Con bất đồng quan điểm với bố mẹ. Vợ với chống không tìm được tiếng nói chung. Đồng nghiệp bất đồng ý kiến với nhau. Thậm chí chính những đại biểu Quốc hội, nhà lãnh đạo đất nước cũng có lúc xung đột quan điểm. Những lúc đó, cách giải quyết sẽ là gì? Người ta chọn bạo lực để giải quyết. Vì thế mới có những hiện tượng như bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạo lực xã hội… Ngược lại, một cách giải quyết khác, đó là “Im lặng là vàng”, là nhẫn nhịn để tìm cách giải quyết tốt hơn.
Có những lúc, sự nhẫn nhịn thực sự đã đem lại hiệu quả giải quyết mâu thuẫn một cách đáng ngạc nhiên. Một lúc nào đó, khi câu chuyện khiến cả hai bên đều căng thẳng, để tránh rơi vào một cuộc cãi vã không cần thiết. Hãy im lặng, nén lại bức xúc trong lòng và sau khi mọi người đã bình tĩnh trở lại, cuộc giao tiếp có thể tiếp tục. Sự nhẫn nhịn lúc này là thể hiện văn minh trong giao tiếp chứ không phải là chịu thua người khác. Sự im lặng sẽ tạo khoảng thời gian để ta tìm ra cách giải quyết mâu thuẫn. Nhẫn nhịn đồng thời thể hiện thái độ lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến và chính những lúc lắng nghe ấy ta lại có thể hiểu được suy nghĩ của đối phương. Do đó, sự nhẫn nhịn giúp con người hiểu nhau hơn, đoàn kết hơn.
Đã từng một thời người ta nhắc nhiều về giai thoại hai vị anh hùng dân tộc là Đại vương Trần Hưng Đạo và Thái sư Trần Quang Khải. Hai người này vốn luôn có hiềm khích với nhau trong quan điểm về quyền lợi dòng tộc họ Trần. Vì vận mệnh chung của đất nước, Trần Hưng Đạo đã bỏ qua lòng tự tôn mà khéo léo giãi bày tâm sự với Trần Quang Khải. Cuối cùng, vì hai vị danh tướng đã biết đặt cái lợi ích chung của quốc gia lên trên chuyện tư, họ hiểu được tâm ý của nhau và đã cùng chỉ huy quân dân nhà Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên – Mông.
Ngược lại, có lúc nhẫn nhịn lại không hề “lành” chút nào. Bởi mỗi khi bức xúc về điều gì đó bạn lại chọn cách nín nhịn cảm xúc, nhiều lần như vậy, rất có thể dẫn tới trầm cảm, tự kỷ. Tai hại hơn, nó lại là một dạng của căn bệnh vô cảm. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp nó cũng không phải là cách giải quyết sự việc tốt nhất. Ví như sự việc Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan HD981 trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta, âm mưu độc chiếm biển Đông. Đó là hành động xâm phạm chủ quyền phi nghĩa và vi phạm Luật lệ quốc tế, không thể dung thứ. Việt Nam không thể im lặng tìm đến những hòa ước hay đối ngoại thỏa thuận được nữa. Việt Nam phải có biện pháp cứng dắn trong lý lẽ và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế để bác bỏ và buộc Trung Quốc phải dừng hành động trái phép đó lại. Bởi Bác Hồ đã nói rồi: “Hỡi đồng bào cả nước! Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới”. Cũng như sự việc này, nếu cứ thể hiện thái độ hòa giải, Trung Quốc sẽ cho rằng Việt Nam đang “run sợ” và tiếp tục độc đoán.
Câu tục ngữ “Một điều nhịn, chín điều lành” tuy ngắn gọn mà hàm súc. Nó không những dạy ta cách ứng xử tế nhị mà còn là phương pháp đấu tranh khôn khéo và có hiệu quả nhất để đạt được mục đích của mình.
Hoài Lê