Home / Văn mẫu / Văn mẫu lớp 7 / Cảm nghĩ bài Cảnh Khuya

Cảm nghĩ bài Cảnh Khuya

Đề bài: Cảm nghĩ của em về bài thơ “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh.

Bài làm

Cảm nghĩ bài Cảnh Khuya – Bài thơ “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh là một trong những bài thơ mà em thích nhất. Bài thơ không chỉ là lời ca ngợi cảnh sắc đêm trăng đẹp của thiên nhiên mà còn là nỗi lòng sâu kín của vị lãnh tụ vĩ đại – Hồ Chí Minh.

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa,

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.

Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”

Bài thơ mở đầu bằng âm thanh tiếng suối:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa”

Tiếng suối xa xa dội ngược lại từ nơi nào đó khó xác định được miêu tả bằng từ “trong” và ví von như “tiếng hát xa”. Xưa nay người ta chỉ nhìn thấy nước trong chứ có ai nghe thấy cái sự “trong” của tiếng nước. Có lẽ tiếng suối thánh thót, tinh khiết quá khiến tác giả tưởng tượng nó như những giọt tinh túy của đất trời. Cách ẩn dụ chuyển đổi cảm giác này ta bắt gặp đâu đó trong thơ Thanh Hải:

“Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng”

(“Mùa xuân nho nhỏ”)

Tiếng suối trong thơ Bác còn ví như tiếng hát của người con gái thôn quê trong đêm vắng, gần gũi đấy mà cũng xa xôi đấy, thân thương đấy mà cũng khó đoán định đấy. Dẫu sao, có chút hơi thở của sự sống cũng giúp không gian đêm rừng bớt cô liêu.

cam nghi bai canh khuya - Cảm nghĩ bài Cảnh Khuya

Cảm nghĩ bài Cảnh Khuya

Tiếp tục là không gian lênh láng ánh trăng:

“Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”

Người đọc thấy ngay điểm nổi bật trong câu thơ là nhịp thơ 4/3. Nhịp thơ kết hợp với điệp ngữ “lồng” tạo nên bức tường ngăn hai lớp, một là lớp trăng lồng cây cổ thụ và thứ hai là cây cổ thụ lồng bóng vào mặt đất. Câu thơ giàu chất cổ điển qua từ “lồng”, “cổ thụ”, “bóng”, “hoa”. Hình ảnh ánh trăng chiếu qua tán lá cây cổ thụ chiếu xuống mặt đất được tác giả cảm nhận giống như bức tranh hoa với hai gam màu sáng và tối. Đến đây cái đẹp không gần gũi như trước nữa mà là cái đẹp cổ điển.

Trước giây phút lặng người, Hồ Chí Minh phải thốt lên:

“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ”

Cảnh đẹp quá, cứ như ai đó đã sắp đặt chứ không phải sự hiện hữu vô thức. Tiếp tục là nhịp thơ 4/3 tạo quãng ngừng trong ý thơ. Nhân vật trữ tình ngạc nhiên quá, ngỡ ngàng trước cảnh đẹp quá mà chưa thể ngủ, chưa muốn ngủ.

Hình ảnh “chưa ngủ” lặp lại ở câu thơ cuối nhấn mạnh thêm trạng thái của nhân vật:

“Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”

Kì thực, việc Bác “chưa ngủ” vì cảnh đẹp chỉ là đòn bẩy cho tâm thế “chưa ngủ” thứ hai – lo lắng, bất an vì “nỗi nước nhà”. Từ “nỗi nước nhà” không đơn giản chỉ là nỗi lo về ngày mai ăn gì, tết nay mặc gì… mà là cả một cơ ngơi, một sự nghiệp vĩ đại của toàn thể dân tộc. Là người quên phải đi ngủ hay trằn trọc vì sự nghiệp cách mạng gian khổ đây? Bác nặng lòng vì dân, vì nước biết bao nhiêu!

Như vậy, bài thơ “Cảnh khuya” là sự hòa quyện giữa cảnh – tình – người. Trong đó, hai câu đầu khắc họa bức tranh thiên nhiên đêm trăng sáng nơi rừng núi Việt Bắc. Trong thực tế, năm 1947 Bác cùng cơ quan đầu não của cách mạng chuyển tới hoạt động ở khu Việt Bắc. Hai câu thơ sau, tác giả bày tỏ tâm trạng của mình. Cả bài thơ như khúc ca ngắn về vẻ đẹp thiên nhiên và tâm trạng con người. Sau những lúc bàn bạc việc nước mệt mỏi, Bác lại ngồi nghĩ ngợi về đất nước, dân tộc. Đó là tấm lòng thanh tao mà giàu tình thương, lòng nhân ái của vị Cha già dân tộc.

Bài thơ viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt đan xen nhiều nét cổ điển và hiện đại nhưng lời thơ rất gần gũi, thân thuộc, dễ hiểu, dễ nhớ. Những ý thơ giàu chất trữ tình, gợi tả gợi cảm rất xuất sắc thông qua việc sử dụng những từ ngữ tinh tế, cô đúc. Các cách điệp âm, điệp ngữ, gieo vần khá hài hòa tạo nên chất dung dị mà súc tích cho bài thơ.

Tóm lại, với những thành công về cả nội dung và nghệ thuật, bài thơ “Cảnh khuya” đã góp thêm giá trị của nó trong kho tàng thơ ca cách mạng nói riêng và văn học dân tộc nói chung. Bài thơ cũng trở thành dấu mốc ghi nhận tài năng và tâm hồn vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước Việt Nam.

Hoài Lê

Check Also

nu sinh 20181115 040157 310x165 - Tả về cô giáo mầm non của em

Tả về cô giáo mầm non của em

Tả về cô giáo mầm non của em Bài làm Chắc hẳn trong mỗi chúng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *