Home / Văn mẫu / Văn mẫu lớp 7 / Cảm nghĩ của em về bài Cảnh Khuya

Cảm nghĩ của em về bài Cảnh Khuya

Đề bài: Cảm nghĩ của em về bài “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh.

Bài làm

Cảm nghĩ của em về bài Cảnh Khuya – Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh không có ý định lập nghiệp thơ văn nhưng những tác phẩm mà người để lại cho muôn đời không chỉ có chất “thép” mà hòa quyện trong nó cả cái trữ tình rất mực tinh tế. Bài thơ “Cảnh khuya” tiêu biểu cho điều đó:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”

Bài thơ “Cảnh khuya” được sáng tác trong khoảng thời gian Bác cùng Trung ương Chính phủ chuyển lên vùng núi rừng Việt Bắc để hoạt động và ngày đêm bàn bạc việc nước. Nhân giây phút nghỉ ngơi ngắn ngủi, Bác ngắm cảnh thiên nhiên núi rừng đêm trăng và viết lên bài thơ bằng tất cả tâm tình sâu lắng của mình. Bài thơ là sự hòa quyện của thiên nhiên trữ tình và lòng người day dứt không yên. Qua đó, người đọc có thể thấy được tình yêu quê hương đất nước sâu nặng và niềm trăn trở suốt đời vì độc lập dân tộc.

Bài thơ đặt trong không gian cảnh đêm trăng giữa rừng núi đại ngàn:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”

Hình ảnh đêm trăng ta bắt gặp nhiều trong thơ ca của mọi thời kì. Thời trung đại có cảnh “say mồi đứng uống ánh trăng tan?” của thơ Thế Lữ, thời chống Pháp có “đầu súng trăng treo” của Chính Hữu, có “ánh trăng lừa dối” của Nam Cao trong văn học hiện thực, có ánh trăng triết lí trong thơ Nguyễn Duy còn thơ hiện đại có gõ thuyền theo “nhịp trăng cao” của thơ Huy Cận… Nhưng đến với cảnh trăng trong thơ Bác, đêm trăng như đẹp mộng mơ, kì diệu nhưng không hề cô tịch, lạnh lẽo, vô hồn mà gần gũi như con người.

cam nghi cua em ve bai canh khuya - Cảm nghĩ của em về bài Cảnh Khuya

Cảm nghĩ của em về bài Cảnh Khuya

Âm thanh tiếng suối trong trẻo, róc rách luồn chảy qua khe đá từ xa vọng lại như tiếng hát của con người. Từ “xa” là vần bằng, đứng ở cuối câu vừa thể hiện âm điệu nhẹ nhàng, da diết vừa mở ra không gian rộng lớn, hùng vĩ của thiên nhiên. Bởi vì, chỉ có ở vùng rừng núi cao rộng mới có thể hình thành yếu tố âm thanh vọng lại.

Nhà thơ hướng mắt về cảnh vật gần hơn đó là cây cổ thụ lớn phía trước mặt. Ngước lên nhìn ánh trăng sáng rọi, con mắt trữ tình nhận ra được tấm thảm hoa đang ẩn hiện. Ánh trăng trên trời rọi xuống bóng cây già, xuyên qua kẽ lá in xuống mặt đất tối. Hàng ngàn tia sáng trắng kết hợp với bóng cây đen tạo nên khung cảnh tuyệt mỹ vô cùng. Chính ánh trăng xuyên thấu từ trời cao xuống mặt đất lại mở ra chiều sâu cho không gian. Giữa một không gian rộng lớn như thế, đẹp đấy, có tiếng người đấy nhưng sao vẫn thấy đâu đó một chút cô đơn, yên ắng. Phải chăng đây chính là thủ pháp lấy động tả tĩnh, có âm thanh mà như không có, có con người mà chẳng thể xác định ở nơi nao?

Tâm trạng con người thực sự được thể hiện rõ ở hai câu thơ cuối bài:

“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”

Có một người chưa ngủ vì “cảnh khuya như vẽ”. Có một người vẫn thức vì “lo nỗi nước nhà”. Ấy là Chủ tịch Hồ Chí Minh!

Từ “chưa ngủ” cuối câu trên và đầu câu dưới là cánh cửa khép mở hai tâm trạng riêng biệt. Cảnh đẹp quá khiến tâm hồn con người giàu chất nghệ sĩ không sao ngủ được. Còn nước nhà đang trong cảnh nô lệ làm sao có thể yên giấc lành. Ở đây, tác giả dùng từ “chưa ngủ” chứ không phải là “không ngủ được”. Đúng vậy! Không phải Người mất ngủ vì thiên nhiên, đất nước mà vì Người không thể yên giấc được. Nước còn nô lệ nên thiên nhiên dẫu đẹp đến mấy vẫn thấy xa vời, khó đoán định.

Qua đây, bài thơ “Cảnh khuya” đã bộc bạch tâm sự sâu kín của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đọc cũng thấy được tình yêu thiên nhiên sâu sắc và tấm lòng nặng tình nước non.

Người đã đi xa chúng ta mãi mãi để trở về thiên nhiên hòa bình mà Người mong đợi. Hi vọng ở nơi ấy người được an lòng bầu bạn với gió trăng.

Hoài Lê

Check Also

hinh gai xinh hoc sinh de thuong 310x165 - Tả về cô giáo mầm non của em

Tả về cô giáo mầm non của em

Tả về cô giáo mầm non của em Bài làm Chắc hẳn trong mỗi chúng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *