Đề bài: Cảm nghĩ của em về mùa xuân.
Bài làm
Cảm nghĩ của em về mùa xuân – Không chỉ với riêng trẻ nhỏ, mà ngay cả với người lớn thì mùa xuân luôn là mùa được háo hức và mong chờ nhất. Nhắc tới mùa xuân là nhắc tới thời điểm thiên nhiên đất nước và lòng người bước vào thời kì đẹp và tươi sáng nhất.
Khí hậu Việt Nam đặc biệt là miền Bắc có bốn mùa ứng với bốn dạng thời tiết cùng tồn tại trong một năm, là mùa xuân, mùa hạ, mùa thu và mùa đông. Mùa xuân là mùa tiếp nối giữa đông và hạ, là khoảng thời gian bắt đầu một năm mới. Vào mùa xuân, không chỉ thiên nhiên tươi sáng, rực rỡ sắc màu mà đời sống con người cũng có nhiều điều thú vị.
Khi mùa đông rét mướt dần dần qua đi, nắng lên làm khô sương giá trên cành cây trụi lá, cũng là lúc mùa xuân đến. Bầu trời trong trẻo hơn, nắng mới chan hòa muôn nơi, cánh én theo gió xuân về chao liệng gọi cây cỏ hoa lá thức dậy sau giấc ngủ đông dài. Mùa xuân về, cây ăn quả trổ mầm xanh đón nắng, hoa e ấp nhành nụ thắm chờ ngày khoe sắc, chim chóc ra khỏi tổ hót véo von… Thiên nhiên như nàng công chúa xinh đẹp tuyệt trần nhận nụ hôn nồng nàn của mùa xuân để rồi từ từ tỉnh giấc nồng. Ngắm nhìn bức tranh sống động ấy, em như say, như mơ, như “cảm nắng” cái khí xuân tươi đẹp của nước Việt Nam quê mình! Thử hỏi, có ai mà không yêu cảnh sắc mùa xuân cho được.
Đâu chỉ có thiên nhiên, con người cũng như rộn ràng, náo nức hẳn lên để đón xuân về. Mùa xuân bắt đầu một năm mới, mở ra trang nhật kí mới cho cuộc đời. Em cũng hân hoan vui sướng, hứa hẹn một năm mới thật nhiều niềm vui và ngày càng tấn tới.
Mùa xuân gắn liền với Tết cổ truyền của dân tộc. Đó là ngày lễ lớn nhất trong năm mà em rất thích. Nhất là những ngày giáp Tết ở Hà Nội, lòng người xốn xang, hoạt động sống cũng rộn ràng và náo nức hơn cả! Trong mắt trẻ thơ ngời lên ánh xuân, trong dáng điệu người đi sấm Tết ngời lên hương xuân. Em được theo bà, theo mẹ đi sắm Tết. Em được mua những bộ quần áo mới. Em được cùng ba mẹ trang hoàng lộng lẫy đèn, hoa, cờ đỏ cho căn nhà thêm xinh xắn, cho tương xứng với thiên nhiên mùa xuân.
Những cành đào, cành mai, hoa cúc, hoa huệ, hoa rơn, nụ tầm xuân…. là những loài hoa đặc trưng của mùa xuân, phổ biến dùng trong dịp Tết Nguyên Đán. Dọc các dãy phố lớn nhỏ trong thành phố là những xe hàng rong đầy hoa, đủ màu xanh đỏ. Các chợ truyền thống như chợ Đồng Xuân, chợ Mơ, chợ Ngọc Hà, chợ Ô, chợ Bưởi, cầu Dền… tấp nập kẻ mua người bán suốt cả một ngày dài. Hình ảnh ấy đã trở thành đặc trưng không thể thiếu của mùa xuân và của con người Hà Nội nói riêng và người Việt nói chung.
Vào xuân, tuyệt nhất là được thưởng thức món bánh chưng, bánh tét mang hồn cốt của đồng nội quê hương. Thiên nhiên phú cho đất nước Việt Nam cái chất đất phì nhiêu và cái khí đa dạng để nền nông nghiệp lúa nước phát triển không ngừng. Miếng bánh chưng, khoanh giò tết dâng lên tổ tiên bằng lòng thành kính, tri ân nhất mà bà hay làm mỗi sáng mùng 1, mùng 2, mùng 3 tết là cả một niềm thân thương trong kí ức của em.
Đắm mình vào cái khí xuân cũng làm con người thư thái sau một năm dài làm việc cực nhọc. Còn gì thú vị bằng được cùng với những người thân yêu nắm tay dạo chơi dưới làn mưa xuân êm ái. Hạt bụi nước li ti giăng giăng trên nhành lá, cánh hoa và mái tóc của những kẻ si tình. Ngắm nụ đào thắm, ngắm cành mai vàng nở, trao nhau lời chúc xuân tốt lành làm nên tình nghĩa đồng bào, đồng chí.
Rồi trong mùa xuân, em khá thích thú với những hoạt động du xuân, chảy hội chùa, xin lộc đầu năm, tảo mộ và hàng trăm trò chơi dân gian khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Tết đến, xuân sang mang khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của bao đời người dân Việt. Dù đi đâu xa, em sẽ không bao giờ quên mùa xuân của quê hương mình.
Hoài Lê