Đề bài: Cảm nghĩ của em về đêm trăng Trung thu.
Bài làm
Cảm nghĩ về đêm trăng Trung thu –
“Thùng thình, thùng thình trống rộn ràng ngoài đình,
Có con sư tử đang múa quanh vòng quanh.
Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng,
Dưới ánh trăng vàng đàn em hát vang vang…”
Mỗi lần bài hát ấy vang lên em lại nghe như náo nức trong lòng lắm! Có lẽ, không gì quen thuộc với trẻ nhỏ hơn đêm trăng Trung thu phá cỗ, múa hát rộn ràng ở sân đình. Đêm trăng Trung thu trong kí ức của em đẹp đẽ và thiêng liêng biết mấy.
Trung thu là một trong những ngày lễ lớn của Việt Nam. Trung thu diễn ra vào giữa tháng Tám (âm lịch) khi mùa màng vừa xong và một vụ mùa mới sắp bắt đầu. Theo quan niệm dân gian, Trung thu được coi như lễ ăn mừng vụ mùa bội thu và mong ước cho vụ mùa tới được “mưa thuận gió hòa”. Do đó, vào lễ Trung thu, mọi người luôn để tinh thần thoải mái và vui vẻ. Trung thu cũng là Tết Đoàn viên, trẻ em và các gia đình được thỏa thích sum vầy, vui vẻ bên nhau. Do đó, Trung thu là khoảng thời gian mà tất cả những em thiếu nhi Việt Nam đều háo hức mong đợi.
Trước Đêm Rằm, các gia đình đã kịp mua sắm hoa quả về bày biện thành mâm ngũ quả sao cho đầy đủ và tròn vành nhất. Trẻ em cũng được bố mẹ mua cho những chiếc đèn ông sao đủ sắc, đủ loại kiểu dáng và các đồ chơi như mặt nạ, trống quân, đèn lồng… để đêm Trung thu sẽ rước đèn, trông trăng.
Đêm Trung thu lúc ánh trăng trở nên tròn trịa, đẹp đẽ nhất. Đêm trung thu sẽ diễn ra rất nhiều hoạt động thú vị. Trung thu năm nào em cũng được bố làm cho một chiếc đèn ông sao bằng tre và giấy bóng kính màu. Khi vầng trăng tròn lẳn, treo lủng lẳng trên bầu trời, soi sáng từng con ngõ, tàu lá xanh là lúc chúng em cầm cây đèn ông sao năm cánh hát vang những khúc ca và rung rinh đi khắp làng. Từ mọi con ngõ, những đoàn quân nhí rước các loại đèn từ đèn ông sao tới đèn cá chép, các bạn nam cầm trống, lục lạc gõ cộc cộc… cùng dồn về sân đình rực rỡ ánh đèn.
Cảm nghĩ về đêm trăng Trung thu
Dưới sân đình, mọi hoạt động đều diễn ra vô cùng vui vẻ và sôi động. Chúng em được xem múa lân, xem các bé biểu diễn múa hát… Cuối cùng, hoạt động mà em yêu thích nhất đó là phá cỗ. Mâm cỗ Trung thu được các anh chị trong đoàn Thanh – Thiếu niên và Cán bộ làng, xã bày trên bàn lớn. Nào là bưởi, quýt, chuối, táo, nho… nào là bánh, kẹo, thạch rau câu… được cắt tỉa, sắp xếp thành các hình con vật ngộ nghĩnh vô cùng hấp dẫn, đáng yêu. Bánh Trung thu cũng là một trong những món ăn đặc trưng nhất của ngày lễ này. Bánh trung thu cặp gồm bánh dẻo tròn tượng trung cho trời – bánh nướng vuông tượng trưng cho đất làm từ những nguyên liệu dân dã nhất, kết tinh hồn quê đồng nội. Ăn một miếng bánh trung thu như đưa cả cái hôn quê đất Việt thấm vào lòng người. Mâm cỗ Trung thu có thể không quá “sang” nhưng ấm áp tình người và niềm tin thờ tụng bao năm qua của người dân Việt Nam.
Dưới ánh trăng sáng, chúng em được nghe kể những câu chuyện cổ tích về Chú Cuội, Chị Hằng, cây đa trên cung trăng. Đó là thế giới đầy mời gọi, là niềm mơ ước của những đứa trẻ. Có những khi các anh chị trong làng còn đóng giả làm Chú Cuội và Chị Hằng Nga để phát quà cho chúng em nữa. Quà chỉ là mấy cây keo hay chiếc bánh nhưng chúng em thích lắm. Thuở bé, có những lúc em còn tưởng đó là Chú Cuội, Chị Hằng thật.
Kết thúc đêm trung thu rộn ràng, mọi người ra về trong niềm bình an của tâm hồn. Năm nao bà ngoại cũng hay ngồi dưới sân nhà ngắm ánh trăng sáng. Hình ảnh người bà như mơ như thực thẩn thơ dưới ánh trăng là kí ức ám ảnh mãi trong tâm trí em. Bà ngoại là người em yêu nhất. Trở về bên bà trong ánh trăng thanh bình đêm Rằm là niềm ao ước của em.
Ánh trăng thân thương quá! Trung thu thân thương quá! Đáng yêu biết mấy một cái Tết dành riêng cho tuổi thơ!
Hoài Lê