Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu.
Bài làm
Cảm nhận của em về bài thơ Vội Vàng – Trong phong trào thơ ca 1930-1945, Xuân Diệu xuất hiện như một hiện tượng “mới nhất” trong số các nhà thơ Mới. Bài thơ “Vội vàng” tiêu biểu cho phong cách và cái tôi cá nhân sâu sắc của Xuân Diệu – một nhà thơ sống, gia cảm hết mình với thiên nhiên đến mức “vội vàng”, “cuống quýt”.
Bài thơ “Vội vàng” được rút ra từ tập “Thơ thơ” (1938), là mối giao cảm tuyệt đối của Xuân Diệu với tuổi trẻ và xuân tình. Qua đó, người đọc thấy được một Xuân Diệu luôn mang những cảm xúc rất triết học và một quan niệm nhân sinh vô cùng mới mẻ.
Sự “vội vàng” xuất hiện ngay trong những câu thơ ngũ ngôn mở đầu bài thơ:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Người đọc thấy ngay được niềm khát khao mãnh liệt của tác giả. Chuyện “tắt nắng” hay “buộc gió” vốn là quyền của tạo hóa, con người không thể can dự càng không thể thay đổi. Nhưng ở đây, với cụm từ “tôi muốn” được lặp lại ở đầu câu thơ 1, 3 cho thấy Xuân Diệu như cố đoạt lấy quyền năng của tạo hóa, buộc chặt những điều vốn ngoài tầm với, ngưng đọng hương sắc của đời và chặn lại tiếng thở của thời gian, không gian. Cả vũ trụ rộng lớn thu vào tầm tay quyết định của nhà thơ. Thật là một khát khao lớn lao.
“Nắng” và “gió” tượng trưng cho hai điều tinh túy nhất của thiên nhiên. Khát khao “tắt” và “buộc” cuối cùng cũng chỉ để phục vụ cho ham muốn cá nhân được giữ lại những gì đẹp nhất, đậm hương đậm sắc nhất của cuộc đời – một sự “tham lam” rất nhân văn của Xuân Diệu.
Có gì mà đáng để nắm giữ như thế? Trả lời câu hỏi ấy, tác giả dẫn bạn đọc tới một khu vườn yeu dạt dào tình xuân đang mời gọi:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa”
Với cấu trúc sóng đôi “Này đây”, bức tranh xuân tình như đang cố phô ra, khoe ra tất cả những gì nó có khiến ta như muốn hòa mình ngay lập tức vào vũ điệu mùa xuân tình tứ. Một không gian chỉ còn những cánh bướm rập rờn, hương hoa đồng nội ngan ngát, chiếc lá xanh dạt dào trong gió, chim yến anh ca hót khúc “tình si”, mi mắt long lanh của người thiếu nữ và cả tình yêu bác ái của “thần vui”. Một “thiên đường trên mặt đất” với sự hòa tấu của âm thanh, ánh sáng, màu sắc, hương thơm, vị ngọt… làm lòng người mệ đắm. Và mọi vẻ đẹp đẩy lên tuyệt đỉnh trong câu thơ kết:
“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
Xuân Diệu sử dụng bút pháp tương giao giữa vị giác – thị giác để gợi nên vị ngọt, hương thơm, độ tròn căng của làn môi tháng riêng tựa như làn môi người thiếu nữ tuổi xuân thì. Một quan niệm về cái đẹp hết sức tiên tiến mà hiếm thấy ngay cả trong thơ hiện đại của “Ông hoàng thơ tình”.
Cảm nhận của em về bài thơ Vội Vàng
Thơ Xuân Diệu mang phong cách cái tôi dự cảm, nhà thơ có thể thấy mùa đông trong cái rét chớm thu và thấy cái chết ngay cả khi còn đang sống. Ta lại bắt gặp điều đó trong những câu thơ tiếp theo đây:
“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hồi xuân”
Dấu chấm giữa dòng chặt đứt cảm xúc, phân làm hai bên tâm trạng vừa sung sướng trước khu vườn xuân đẹp đẽ vừa cảm thấy sợ hãi, tiếc nuối vì nó sớm muộn sẽ qua đi. Đứng giữa hai trạng thái, nhà thơ không biết làm gì ngoài chọn cách sống “vội vàng”, sẽ “không chờ” nữa. Nhà thơ chưa bao giờ thư thái để tận hưởng một giây phút thực sự yên bình.
Thế nhưng cuộc sống luôn có những chân lí bất biến:
“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Và tôi xuân hết nghĩa là tôi cũng mất
Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài tuổi trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”
Nhà thơ thở than về thời gian một đi không trở lại và tuổi trẻ được đem ra làm thước đo với thời gian, không gian để cho thấy cái “lòng rộng” – tâm hồn khát khao sống mãi với sự “chật” của tạo hóa. Khát khao của Xuân Diệu đã vượt ra khỏi tầm tạo hóa cho phép, vì thế mới xót xa.
“Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm”
Nhà thơ giục giã mọi người phải “mau đi thôi”, mau đi để:
“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn diết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước và cây và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi hương, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”
Lại một lần nữa khát khao “ta muốn” xuất hiện mạnh mẽ hơn trong những động từ “ôm”, “riết”, “say”, “thâu” và thậm chí là “cắn”. Nhà thơ muốn chiếm lĩnh tuyệt đối cho “no nê”, “chếnh choáng”, “đã đầy”. Đoạn thơ như một bức thông điệp thẩm mỹ: hãy hưởng thụ và trân trọng mọi phút giây, sống cao độ để không bỏ phí cuộc đời.
Xuân Diệu bước vào thi đàn Việt Nam và ở lại nơi đây theo cách không giống ai. Cảm ơn nhà thơ vì đã sống và cống hiến hết mình. Bài thơ “Vội vàng” là một lời nhắc nhở chân thành cho nhiều thế hệ về lí tưởng sống tốt đẹp.
Hoài Lê